Hiện nay, thời hạn của các loại giấy phép lái xe tại Việt Nam được quy định tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, phụ thuộc vào độ tuổi của người lái xe.
Tuy nhiên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ có sự thay đổi về thời hạn của giấy phép lái xe.
Theo quy định mới, các hạng giấy phép lái xe mô tô vẫn là loại giấy phép lái xe không thời hạn như hiện nay. Riêng đối với giấy phép lái xe dùng để lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tương ứng là bằng B1 hiện nay và bằng B mới) thì từ năm 2025 sẽ có thời hạn là 10 năm kể từ ngày cấp.
Cụ thể: Giấy phép lái xe máy hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
Giấy phép lái xe ô tô hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Giấy phép lái xe ô tô các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Các trường hợp cấp đổi giấy phép lái xe
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ngày 27/6/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025, khuyến khích đổi giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 sang giấy phép lái xe theo quy định của Luật này.
Theo khoản 2 Điều 62 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, người có giấy phép lái xe được đổi giấy phép lái xe trong các trường hợp sau đây:
- Giấy phép lái xe bị mất;
- Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;
- Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;
- Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;
- Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;
- Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 62 Luật này cũng quy định các trường hợp chưa cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe đối với các trường hợp người vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.