Quyết định này thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND Thành phố, quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Theo quyết định mới, đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, có quyền và nghĩa vụ liên quan đến thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp không áp dụng quyết định này, gồm: Bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Chính phủ; đất hiến tặng cho nhà nước, đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân đề xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; tách, hợp thửa đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đâu tư công, nhà ở; đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì thực hiện theo quy hoạch này; thửa đất hoặc một phần thửa đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.
Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 220 Luật Đất đai. Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất để làm lối đi thì lối đi đó do các bên thỏa thuận và UBND quận, huyện và TP Thủ Đức có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương xem xét lối đi do các bên thỏa thuận có đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, về hệ thống cấp thoát nước, điện để có ý kiến chấp thuận trước khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất. Phần diện tích đất được xác định làm lối đi sử dụng cho nhiều thửa đất (từ 2 thửa đất trở lên) thì được chuyển sang hình thức sử dụng chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Về diện tích tối thiểu được tách thửa, thửa đất mới hình thành và thửa còn lại sau tách thửa (đã trừ phần diện tích thuộc quy hoạch công trình giao thông) phải đảm bảo một số điều kiện. Phần diện tích đất được xác định làm lối đi sử dụng cho nhiều thửa đất (từ 2 thửa đất trở lên) thì được chuyển sang hình thức sử dụng chung trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Như vậy, quy định tách thửa hiện nay bám sát theo quy định Luật Đất đai 2024. Không còn quy định về điều kiện quy hoạch và điều kiện xây dựng như Quyết định 60 hay dự thảo về tách thửa trước đây.
Tuy nhiên, quy định trên sẽ không áp dụng với chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP Hồ Chí Minh.
Điều kiện để tách thửa phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 31 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và khoản 1, 2 Điều 45 Luật Đất đai 2024, chủ đầu tư được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở. Khi đó, chủ đầu tư dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP Hồ Chí Minh gửi thông báo bằng văn bản đến Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án.
Về diện tích tối thiểu tách thửa, đối với đất nông nghiệp: 500m 2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác; 1.000m 2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung. Đối với đất ở, quy định chia thành 3 khu vực với điều kiện diện tích tối thiểu và chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất (theo bảng).
Đối với hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nhưng đến trước ngày Luật Đất đai 2024 và quyết định này có hiệu lực thi hành mà chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 256 Luật Đất đai năm 2024, Quyết định số 60/2017 để thực hiện.