Hà Nội

Quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động KCB người dân cần biết

05-02-2017 18:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở KCB nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở KCB khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ...

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB).

Theo Nghị định, người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở KCB (Điều 12).

Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở KCB. Không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở KCB hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở KCB khác.

Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở KCB và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.

Người hành nghề tại cơ sở KCB được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở KCB ngoài giờ.

chứng chỉ hành nghềẢnh minh họa.

Người hành nghề tại cơ sở KCB của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở KCB được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở KCB có phần vốn của Nhà nước.

Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở KCB được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở KCB khác.

Nghị định nêu rõ, người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở KCB nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở KCB khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng xét nghiệm, phòng X-quang, nhà hộ sinh, phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ...

Trong đó, bệnh viện đa khoa phải có ít nhất 30 giường bệnh; bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền phải có ít nhất 20 giường bệnh; riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt sử dụng kỹ thuật cao phải có ít nhất 10 giường bệnh. Bên cạnh đó các bệnh viện cũng phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; thiết bị y tế; tổ chức; nhân sự mới được cấp phép hoạt động...


PV
Ý kiến của bạn