Quy định về giao thông trên đường cao tốc từ ngày 1/1/2025
Tại Điều 25 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau:
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ sau đây:
+ Trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;
+ Khi chuẩn bị ra khỏi đường cao tốc phải quan sát biển báo hiệu chỉ dẫn, thực hiện chuyển dần sang làn đường sát bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe di chuyển trên làn đường đó trước khi ra khỏi đường cao tốc;
+ Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
+ Các quy tắc giao thông đường bộ khác quy định tại Chương II Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 như sau:
- Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp; trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.
- Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Quy định mới nhất tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc từ năm 2025
Điều 9 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT quy định về tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc như sau:
- Đường cao tốc phải được đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa, tốc độ khai thác tối thiểu.
- Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc là 120 km/h.
- Tốc độ khai thác tối thiểu cho phép trên đường cao tốc là 60 km/h. Trường hợp đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60 km/h thì tốc độ khai thác tối thiểu thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Trị số tốc độ khai thác tối đa, tối thiểu cho phép trên đường cao tốc, kể cả các đường nhánh ra, vào đường cao tốc được xác định trong phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu trên từng đoạn đường cao tốc sẽ phụ thuộc vào biển báo tốc độ trên đường.
Lỗi chạy quá tốc độ theo quy định mới nhất phạt bao nhiêu tiền?
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với xe ô tô
Ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trong đó, nội dung về mức phạt đối với lỗi chạy quá tốc độ đối với xe ô tô 2025 (Mức phạt vi phạm giao thông từ 1/1/2025 quá tốc độ) như sau:
Từ 05km/h đến dưới 10 km/h: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Từ 10km/h đến 20 km/h: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
Trên 20 km/h đến 35 km/h: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Trên 35 km/h: Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng; trừ 6 điểm giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó: Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng + trừ 10 điểm giấy phép lái xe (điểm a khoản 10 và điểm đ khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với xe máy
Về mức phạt lỗi xe máy chạy quá tốc độ năm 2025 thì được quy định tại Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP như sau:
- Từ 05 km/h đến dưới 10 km/h: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng;
- Từ 10 km/h đến 20 km/h: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Trên 20 km/h: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; đồng thời bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Ngoài ra:
- Trường hợp điều khiển xe máy thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Trường hợp điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với xe máy chuyên dùng
Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ năm 2025 đối với xe máy chuyên dùng được quy định tại Điều 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Từ 05 km/h đến dưới 10 km/h: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Từ 10 km/h đến 20 km/h: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Trên 20 km/h: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, trong trường hợp người điều khiển xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
Quy định về các làn trên đường cao tốc
Cao tốc là những con đường có 2 chiều tách biệt, mỗi chiều 2 – 3 làn, cho phép người điều khiển ô tô lưu thông với tốc độ cao (60, 80, 100, 120 km/h). Vì vậy, nếu di chuyển bằng cao tốc sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Mỗi làn đường sẽ có ưu nhược điểm riêng.
Nếu cao tốc có 4 làn đường (không quy định loại xe) thì thông thường 2 làn bên trái sát tim đường sẽ là làn đường đồng tốc (tốc độ quy định giống nhau), làn ở giữa tốc độ thấp hơn, làn trong cùng là làn đường dừng khẩn cấp.
Làn sát tim đường cao tốc
Với làn đường này, xe ô tô có thể chạy tốc độ cao nhất trong các làn, quan sát tốt, chỉ cần căn một bên đường. Đây là làn đường chạy dễ nhất nếu đã có kỹ năng lái xe nhất định. Tuy nhiên làn đường này cũng nhược điểm là dễ bị bấm còi xin vượt nếu xe không chạy tốc độ cao.
Làn đồng tốc ở giữa
Làn đường này có ưu điểm có thể chạy tốc độ cao nhất trong các làn, quan sát tốt. Nhược điểm là phải căn hai bên. Với người lái mới chưa nhiều kinh nghiệm điều này khá khó. Nếu bị chệch tay lái, chệch làn sẽ rất nguy hiểm.
Làn tốc độ thấp
Làn đường này có ưu điểm có thể chạy chậm hơn, dễ căn đường, chỉ cần căn một bên. Nhược điểm là thường phải vượt xe tải lớn, xe container.
Làn đường dừng khẩn cấp
Làn đường dừng khẩn cấp sẽ chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến đường cao tốc, mặc dù ở một số nơi làn đường này được loại bỏ để tạo thêm làn đường cho xe chạy.
Trong trường hợp có làn đường dừng khẩn cấp thì chiều rộng tiêu chuẩn là 3,3 mét, đủ rộng cho một chiếc xe tải lớn mà không phải lấn qua làn đường chính. Phân biệt với các làn đường chính bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang (khác với các vạch đứt phân tách các làn đường chính với nhau). Ngoài ra, các miếng mắt mèo cũng được đặt trên vạch trắng này như là một dấu hiệu nhận biết.