Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 29/2023/TT-BYT hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Thông tư này hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện đối với thực phẩm bao gói sẵn được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam.
Cụ thể, thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam phải ghi các thành phần dinh dưỡng sau:
- Năng lượng (kcal);
- Chất đạm (g);
- Carbohydrat (g);
- Chất béo (g);
- Natri (mg).
Riêng:
- Nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác phải ghi thêm đường tổng số.
- Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: Phải ghi thêm chất béo bão hòa.
- Thực phẩm không chứa/có chứa thành phần dinh dưỡng đã nêu trên nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại Phụ lục I Thông tư này thì không bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm.
Theo đó, các thành phần dinh dưỡng được biểu thị trong 100g/100ml thực phẩm/trong 01 khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn/theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố.
Bộ Y tế yêu cầu việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan. Bảo đảm chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm. Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ nhận biết, dễ hiểu và không tẩy xóa được.
Lộ trình thực hiện việc ghi nhãn được quy định như sau:
- Chậm nhất đến 31/12/2025, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này.
- Từ 01/01/2026, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng quy định tại Thông tư này.
Tại khoản 2, Điều 1 của Thông tư này ghi rõ không điều chỉnh đối với nguyên liệu, thực phẩm sau đây:
- Nguyên liệu, thực phẩm không bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bao gồm cả đá thực phẩm;
- Thực phẩm có một thành phần nguyên liệu duy nhất;
- Nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai (bao gồm cả loại chỉ bổ sung CO2 và/hoặc hương liệu);
- Muối thực phẩm, muối tinh;
- Giấm ăn và các chất thay thế cho giấm bao gồm cả loại chỉ bổ sung hương liệu;
- Hương liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
- Men (enzym) thực phẩm;
- Chè, cà phê không chứa thành phần bổ sung khác trừ phẩm màu, hương liệu;
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
- Đồ uống có cồn;
- Thực phẩm quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây viết tắt là Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ và thực phẩm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP);
- Thực phẩm do cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ sản xuất quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP;
Trường hợp tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 1 tự nguyện ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư 29/2023/TT-BYT của Bộ Y tế vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 15/02/2024. Mời bạn đọc xem thông tin chi tiết Thông tư 29 tại đây.