Doanh nghiệp khó khăn tìm lao động
Theo BQL các KCN tỉnh Đồng Nai, sau khi Đồng Nai triển khai kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp (DN) muốn khôi phục 100% công suất và có nhu cầu đón lao động trở lại nhưng gặp vướng mắc, bởi nhiều quy định còn chưa thống nhất. Điển hình như, tỉnh này quy định: Lao động mà DN muốn bổ sung, thay mới, trở lại nhà máy làm việc phải thuộc "vùng xanh", đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine được 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày.
Trong khi đó, phần lớn vaccine được dùng để tập trung tiêm cho dân ở các "vùng đỏ", "vùng vàng" và "vùng cam" nên rất ít lao động ở "vùng xanh" đủ điều kiện để được tiêm vaccine. Vì vậy, một số DN đã phải hủy thông báo cho công nhân đăng ký đi làm trở lại, vì không đáp ứng được yêu cầu.
Đến nay, mới hơn 40% NLĐ ở các KCN hoàn thành 2 mũi vaccine nên có thể phải mất ít nhất 2 tháng, thậm chí phải đến cuối năm nay mới bao phủ hết. Từ đó sẽ xảy ra nghịch lý là DN thiếu lao động, trong khi nhiều NLĐ không đáp ứng điều kiện sẽ phải tiếp tục chờ việc, đời sống của NLĐ sẽ tiếp tục khó khăn...
Tỉnh Bình Dương cũng cho phép các DN ở “vùng xanh” trở lại hoạt động, song hiện rất ít DN đáp ứng được điều kiện để tái sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến”, Bình Dương thêm mô hình “3 xanh” với những tiêu chí khắt khe từ người lao động, nơi ở và nhà máy.
Cụ thể, khi DN được phép thực hiện “3 xanh”, trước khi cho công nhân vào, DN phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1 trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu, lần 2 xét nghiệm kháng nguyên nhanh). Trong quá trình hoạt động, DN phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thực hiện 5 ngày/lần; xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm... di chuyển ra vào công ty.
Bên cạnh mô hình "3 tại chỗ", các mô hình mới cũng được triển khai, như mô hình "4 xanh": "người lao động (NLĐ) xanh" được đi bằng phương tiện cá nhân từ "nơi ở xanh" đến "DN xanh" trên một "cung đường xanh". Tất cả đều nhằm mục tiêu trở lại sản xuất, giữ việc làm cho NLĐ và bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng chống dịch trong DN.
Trang bị hành trang cho người lao động để cùng doanh nghiệp vươn xa
Có thể nói, với hầu hết DN, suốt hơn 18 tháng qua là những tháng ngày cực kỳ khó khăn, rất nhiều DN đã phải phá sản, chấm dứt hoạt động. Những DN còn lại nỗ lực xoay trở và gần đây tìm mọi cách để trở lại sản xuất. DN chấp nhận chi phí tăng, lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận chỉ để không mất đơn hàng, không đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh những giải pháp tìm nguồn nguyên liệu sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, các vấn đề về lao động cũng là mối quan tâm hàng đầu của DN, từ giải quyết chế độ chính sách theo luật định, trả lương những ngày nghỉ việc đến bảo đảm tiền lương, phụ cấp tăng thêm cùng các chi phí khác khi ở lại DN thực hiện "3 tại chỗ".
"Hành trang" cho NLĐ để cùng DN đi xa trên hành trình trở lại thị trường còn là những hoạt động chăm lo về sức khỏe của NLĐ. Với bất kỳ DN nào, nguồn lao động cũng là tài sản quý giá nên việc bảo đảm sức khỏe, an toàn cho NLĐ trong mùa dịch mang ý nghĩa sống còn. DN luôn thấu hiểu chăm lo căn cơ nhất cho nguồn lao động lúc này là sức khỏe, mà giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất là tiêm vaccine cho NLĐ.
Tại những hội nghị gần đây với lãnh đạo Chính phủ và các địa phương, các hiệp hội DN trong nước và nước ngoài đều khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine và mong muốn gia tăng tỉ lệ tiêm vaccine cho NLĐ trong DN nhằm ngăn ngừa lây lan dịch và duy trì hoạt động sản xuất.
Hành trình trở lại thị trường của DN và NLĐ sẽ không dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trong hành trang của NLĐ, ngoài được tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng những "vốn liếng" vật chất được DN và xã hội trang bị, NLĐ còn phải phát huy "vốn liếng" tinh thần. Đó là ý chí vượt khó, nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch (tại nơi làm việc cũng như nơi cư trú) và làm việc với năng suất cao. Có như vậy, DN và NLĐ mới có thể cùng nhau vững bước đi xa.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.