Quy định dự thi “Đấu trường nhan sắc” Việt: Thế nào là phù hợp?

15-09-2008 15:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

Thời điểm này, Dự thảo Quy chế tổ chức thi hoa hậu (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sau khi tiếp thu các ý kiến của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thời điểm này, Dự thảo Quy chế tổ chức thi hoa hậu (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sau khi tiếp thu các ý kiến của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ bản là thống nhất, nhưng có một số điểm sẽ phải sửa đổi nếu không có đủ cơ sở pháp lý.

Mỗi năm chỉ có 1 hoa hậu đăng quang?

Theo ý kiến của nhiều người, hoa hậu chỉ nên dành cho cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia. Không mới - bởi trước khi có Quy chế tổ chức thi hoa hậu, hầu hết các cuộc thi nhan sắc đều đã mặc định một tên gọi, phù hợp với nội dung và mục đích của từng cuộc thi như: Người đẹp Đền hùng; Người đẹp Bình Dương; Nữ hoàng Trang sức; Nữ hoàng Du lịch; Hoa khôi Thể thao... Các cuộc thi nhan sắc diễn ra đều đều. Cho tới khi quy chế ban hành và trong nháy mắt tất cả các cuộc thi đổi tên thành “Hoa hậu”. Vẫn là cuộc thi đó, nội dung không thay đổi, chất lượng cũng nhàng nhàng, vậy là một năm có tới vài hoa hậu và dư luận được “bội thực hoa hậu” thì chẳng thể nhớ nổi hoa hậu A, B được đăng quang lúc nào, tại cuộc thi nào. Trước bức xúc của dư luận về những vấn đề phát sinh sau 2 năm thực hiện Quy chế tổ chức thi hoa hậu, Ban soạn thảo Quy chế sửa đổi đã đưa ý kiến “trả lại tên” cho các cuộc thi. Theo đó, chỉ cuộc thi có phạm vi toàn quốc mới được gọi là “Hoa hậu”; cuộc thi trong phạm vi vùng, miền, ngành và cấp tỉnh thì căn cứ mục đích để đặt tên cuộc thi và danh hiệu cho người đạt giải thưởng. Cơ quan thẩm quyền cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu một năm không quá một lần. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm chỉ có một hoa hậu đăng quang. Giả thiết, có tới 3,4 cuộc thi cấp quốc gia xin phép tổ chức... thì cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ lựa chọn để... chỉ duyệt 1.

Cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2008 gây nhiều chuyện tranh cãi về điều kiện dự thi của thí sinh. Ảnh: TP.O
 
Điều kiện của thí sinh tham dự các cuộc nhan sắc: thế nào thì hợp lý?

Đây là vấn đề đang có những ý kiến trái ngược. Quy chế cũ quy định thí sinh dự thi hoa hậu phải tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Nghĩa là phải có bằng tốt nghiệp THPT mới được dự thi. Còn Quy chế sửa đổi lại chỉ yêu cầu thí sinh có trình độ văn hóa THPT trở lên. Cái lý để đưa ra quy định này là có nhiều cuộc thi tổ chức vào những tháng đầu năm, nếu buộc thí sinh phải có bằng tốt nghiệp khi mùa thi chưa đến sẽ buộc nhiều người đẹp phải chờ đợi thêm 1, thậm chí 2 năm nữa. Đó là một thiệt thòi. Vì thế, việc nới rộng biên độ học vấn sẽ tạo cơ hội cho nhiều người đẹp có điều kiện đến với cuộc thi. Tuy nhiên khi quy chế sửa đổi chưa được ban hành, thì điều kiện tham dự thi hoa hậu của thí sinh vẫn phải áp dụng theo quy chế cũ nghĩa là thí sinh dự thi phải có bằng tốt nghiệp THPT. Tránh để xảy ra chuyện đã rồi như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 vừa qua và Ban tổ chức chỉ thừa nhận thiếu sót là xong chuyện?

Quy chế sửa đổi có phần chặt chẽ đối với các người đẹp tham dự các cuộc thi quốc tế. Ngoài việc phải thông thạo tiếng Anh, thì tiêu chuẩn “cứng” đối với các người đẹp là phải đạt danh hiệu nhất nhì ở các cuộc thi. Đây chính là điều đang gây tranh cãi, bởi theo nhiều người, chất lượng các cuộc thi trước nay là không đồng đều. Có thí sinh chỉ lọt vào top 10, top 5 của cuộc thi này nhưng lại đẹp và hội tụ các tiêu chuẩn thi quốc tế hơn là thí sinh đoạt ngôi hoa hậu, á hậu ở cuộc thi khác. Vì thế, rất có thể “chuẩn mới” sẽ mở rộng cánh cửa cho người đẹp đã có danh hiệu được phép xuất ngoại dự thi nếu có giấy mời của BTC, thông thạo tiếng Anh và được một đơn vị Việt Nam có đủ điều kiện làm đại diện chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan và đưa đi dự thi.

Trách nhiệm của người đăng quang đã cụ thể hơn, nhưng...

Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi rằng: Mục đích của các cuộc thi hoa hậu là gì? Là sân chơi cho giới trẻ - đương nhiên, nhưng nếu chỉ là sân chơi đơn thuần thì vô nghĩa quá. Một khi sắc đẹp được công chúng tôn vinh, thì nhan sắc đó phải góp phần làm đẹp thêm cuộc sống bằng những hành vi, nghĩa cử cao đẹp, chứ không phải chỉ là công cụ cá nhân để các người đẹp tiến thân. Từ cơ sở này, Quy chế sửa đổi đã đưa ra những quy định về trách nhiệm của người đoạt giải ở các cuộc thi nhan sắc. Cụ thể, thí sinh đoạt giải cao nhất, nhì cuộc thi phải trích 20% tiền thưởng để ủng hộ quỹ xã hội, từ thiện trong đêm đăng quang; Trong thời gian giữ danh hiệu phải tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định của đơn vị tổ chức. Cùng với trách nhiệm của thí sinh đoạt giải, quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị tổ chức nhằm chấm dứt tình trạng “loạn nhà tổ chức” ; “tay không bắt giặc” với mục đích... kiếm lời và “bùng” giải thưởng. Theo đó, đơn vị tổ chức phải có văn bản cam kết đảm bảo tài chính để tổ chức cuộc thi; phải trao giải cho thí sinh đoạt giải trong thời hạn 3 ngày sau khi cuộc thi kết thúc. Tuy nhiên việc yêu cầu các thí sinh làm từ thiện không nên cứng nhắc, chỉ đơn thuần trích 20% tiền thưởng ủng hộ quỹ xã hội là hết trách nhiệm. Nếu phía soạn thảo không tìm được các văn bản pháp lý quy định về việc này thì phải sửa đổi vì làm từ thiện là tự nguyện, thể hiện cái tâm trong sáng và tấm lòng của người làm từ thiện, không thể ép buộc. Đây là việc làm cần khuyến khích, biểu dương để các người đẹp có thể nhìn nhau mà hành xử cho đúng.

Nguyệt Nhi


Ý kiến của bạn