Quy định chế tài xử lý khi Ban quản trị chung cư lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân

25-08-2023 16:25 | Thời sự

SKĐS - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần quy định về chế tài xử lý trong trường hợp Ban quản trị, thành viên Ban quản trị vượt quyền, lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân…

"Tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội rất chậm"

Tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trước khi trình lấy ý kiến ĐBQH chuyên trách và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Để có thêm thông tin từ thực tiễn cho quá trình hoàn thiện chính sách, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư". Qua giám sát, Đoàn giám sát đã nhận diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NCC), phân tích nguyên nhân để từ đó có các kiến nghị cụ thể để sửa đổi Luật Nhà ở.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các quy định về quản lý, vận hành NCC đã ngày càng chi tiết, đầy đủ và cụ thể hơn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng, sự phối hợp của chính quyền địa phương nơi có NCC.

Quy định chế tài xử lý khi thành viên, Ban quản trị chung cư lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân - Ảnh 1.

Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong việc tổ chức thi hành pháp luật về quản lý, vận hành, cải tạo, xây dựng lại NCC. Tình trạng tranh chấp trong quản lý, vận hành, bàn giao kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, riêng trong NCC diễn ra ở nhiều chung cư, chậm được giải quyết gây bức xúc trong dư luận. Một số tranh chấp diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận…

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 30/11/2022 trên phạm vi cả nước có 5.857 NCC (trong đó có 3.082 xây dựng trước năm 1994); 2.775 NCC sử dụng từ năm 1994 đến nay (651 NCC đưa vào sử dụng từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/11/2022).

Qua Báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương cho thấy, hiện nay có 366 NCC thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, trong đó NCC đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại là 42 NCC (chiếm 11%) và NCC đang thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại từ ngày 1/7/2015 đến ngày 30/11/2022 (69 NCC, chiếm 19%).

Quy định chế tài xử lý khi thành viên, Ban quản trị chung cư lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân - Ảnh 2.

Dù có phương án cải tạo, xây mới chung cư nhưng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thực hiện khá chậm trễ.

Các địa phương đã vận dụng nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (CCC) nhưng tiến độ vẫn không đạt. Ví dụ TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cải tạo, xây mới 474 CCC, nhưng từ năm 2015 đến 2022 mới hoàn thành cải tạo, xây mới được 3 chung cư; đang cải tạo, xây dựng mới 29 chung cư; tiến độ cải tạo CCC ở TP. Hà Nội cũng rất chậm...

Làm rõ phần sở hữu chung, sở hữu riêng nhà chung cư

Chính sách, cơ chế chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn nên chưa thu hút được doanh nghiệp, người dân trong việc cải tạo CCC, trong khi đó vốn ngân sách hạn hẹp, thiếu quỹ đất sạch để xây dựng chung cư tái định cư, việc xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn. Việc quy hoạch nhà ở tái định cư, chất lượng nhà ở còn nhiều bất cập, chưa làm cho người dân thấy được lợi ích của việc cải tạo, xây dựng lại NCC.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần quy định rõ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng quỹ bảo trì được sử dụng cho việc sửa chữa, bảo trì thiết bị kỹ thuật thuộc hệ thống kỹ thuật chung nhưng nằm bên trong căn hộ (sở hữu riêng) và phần hệ thống kỹ thuật cứu hỏa nằm trong căn hộ vẫn thuộc sở hữu chung để bảo đảm an toàn và tính thống nhất của hệ thống. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ phần sở hữu chung, sở hữu riêng trong NCC có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Quy định chế tài xử lý khi thành viên, Ban quản trị chung cư lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân - Ảnh 3.

Tranh chấp chung cư xảy ra tại nhiều nơi.

Cần quy định rõ hơn các hạng mục thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng phải xác định trong hợp đồng mua bán căn hộ và chế tài xử lý với chủ đầu tư nếu không thực hiện đúng quy định này. Quy định về chế tài xử lý trong trường hợp Ban quản trị, thành viên Ban quản trị vượt quyền, lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân…

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng cần luật hóa một số quy định phù hợp, đã phát huy hiệu quả trên thực tế của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao. Quy định rõ các trường hợp cải tạo, xây dựng lại NCC để thuận lợi trong triển khai thực hiện. Nghiên cứu bổ sung việc quy định cụ thể về công khai niên hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình; công khai kết luận kiểm định, đánh giá chất lượng NCC đối với toàn bộ các nhà chung cư được kiểm định. Quy định trình tự, thủ tục di dời, cưỡng chế di dời và phá dỡ NCC thuộc diện cải tạo, xây dựng lại.

Loạt nguyên nhân khiến tranh chấp chung cư tại Hà Nội ngày càng phức tạpLoạt nguyên nhân khiến tranh chấp chung cư tại Hà Nội ngày càng phức tạp

SKĐS - Thời gian qua, nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lãnh đạo các quận chỉ rõ là do chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng; chưa bàn giao quỹ bảo trì; chậm thành lập Ban quản trị…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hàng Triệu Số Điện Thoại Đẹp Dự Kiến Sẽ Được Đấu Giá Với Cùng Mức Khởi Điểm | SKĐS


Lê Bảo
Ý kiến của bạn