Quy định buộc nghỉ học một tuần vì vi phạm giao thông gây phản ứng

11-03-2016 10:36 | Thời sự
google news

Cho rằng mức phạt buộc nghỉ học không có tác dụng làm thay đổi ý thức, hành vi tham gia giao thông, nhiều phụ huynh, học sinh đề xuất hình thức xử phạt khác.

Quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành, trong đó có nội dung "những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe", đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Vân An, học sinh một trường THPT chuyên ở Hà Nội cho biết, với tình trạng vi phạm giao thông của học sinh hiện nay, đúng là nên có biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, buộc nghỉ học một tuần là mức kỷ luật quá nặng. "Kiến thức cần tiếp thu của học sinh cấp 3 là rất lớn nên việc nghỉ học sẽ gây khó khăn để theo kịp bài giảng trên lớp. Mặt khác, những học sinh tái diễn vi phạm dù đã được giáo dục, thường chưa có ý thức đạo đức tốt. Việc nghỉ học chưa hẳn sẽ khiến các bạn ấy sợ hoặc thay đổi nhận thức, hành vi khi tham gia giao thông", An bày tỏ.

Nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng, hình thức xử phạt đình chỉ học là quá nặng, không có tác dụng giáo dục. Ảnh minh hoạ: Phương Sơn.

Chung nhận định về nhóm đối tượng vi phạm giao thông nhiều lần thường là học sinh hư, Quỳnh Anh (lớp 12, Hà Nội) cho rằng, buộc thôi học một tuần sẽ khiến người bị phạt cảm thấy như "được phạt" vì tự dưng được nghỉ ở nhà. Cách xử lý này là quá dễ dàng, ít có tác dụng giáo dục. Nữ sinh đề xuất, thay quy định buộc thôi học bằng hình thức khác, như cho đi lao động công ích hoặc bắt ngồi trong im lặng viết kiểm điểm tại trường sau giờ học như một số trường ở Mỹ áp dụng. Ở trường cấp ba của em, việc giám thị kiểm tra học sinh đội mũ bảo hiểm trước cổng, hạ hạnh kiểm, cảnh cáo toàn trường những trường hợp vi phạm, đã giúp giảm đáng kể hành vi trái với luật giao thông.

"Hạ hạnh kiểm một tháng của học sinh là hình thức kỷ luật hợp lý, nhưng đình chỉ học thì sổ học bạ của học sinh sẽ thê thảm lắm. Em nghĩ Sở Giáo dục cần đặt ra câu hỏi tại sao học sinh biết bị kỷ luật mà vẫn vi phạm nhiều lần để từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp. Hiện tại, những tiết học về an toàn giao thông trong trường là rất hiếm, nếu có chỉ qua loa, không định hướng rõ ràng được cho học sinh", Việt Chung (lớp 12, quận Đống Đa) nói.

Có con đang học lớp 7 và lớp 4 ở Thanh Xuân (Hà Nội), chị Vân thường xuyên bị rơi vào tình huống "buộc" phải vi phạm giao thông. Phụ huynh này cho biết, trường các con không có chỗ cho học sinh treo mũ bảo hiểm, do đó mỗi lần đưa trẻ đến trường xong chị lại phải vác 2 chiếc mũ theo. Buổi chiều khi người chồng đến đón con về nhà lại thành ra thiếu mũ bảo hiểm. "Vi phạm như vậy thì không thể đổ lỗi cho trẻ mà bắt chúng chịu phạt được", chị Vân nói.

Người mẹ phân tích, trẻ con khi bị cô giáo nhắc nhở chứ chưa nói đến bị phạt lao động, vệ sinh trường học… đã thấy sợ lắm rồi. Do đó nếu bị buộc nghỉ học nhiều ngày, cảnh cáo trước toàn trường, hạ hạnh kiểm xuống mức yếu, sẽ làm trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, có thể không muốn quay lại lớp nữa. Ngoài ra, trong thời gian con bị đình chỉ học, gia đình sẽ gặp khó trong việc trông giữ. Không quản tốt, trẻ có thể lao vào chơi game. "Có nhiều cách để học sinh hiểu và có ý thức về giao thông nhưng hình thức kỷ luật buộc thôi học một tuần là tiêu cực", phụ huynh này nhận xét.

Không ít những ông bố, bà mẹ khác cũng cho rằng, đình chỉ học là hình thức kỷ luật chưa hợp lý vì khiến học sinh "đã thiếu giáo dục về ý thức giao thông, giờ lại hụt thêm giáo dục về văn hoá". Các phụ huynh đề xuất nên phạt học sinh phải tham gia khoá học luật giao thông sau giờ học chính khóa để thấm nhuần, hoặc cho đi lao động công ích.

Trái với những quan điểm trên, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội), đồng thời là phụ huynh lại nhiệt tình ủng hộ quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Chuyên gia này cho rằng, phạt nghỉ học một tuần có giá trị răn đe tốt vì ảnh hưởng tới hạnh kiểm và số buổi nghỉ học theo quy định. Biện pháp này còn giúp phụ huynh nhận thức ra trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái.

"Ai là người ở nhà canh chừng chúng? Đấy là câu hỏi mà phụ huynh lo lắng chứ không phải vấn đề trẻ em vi phạm luật an toàn giao thông thế nào. Khi bị tác động trực tiếp, các phụ huynh sẽ phải quan tâm hơn đến luật, tuân thủ luật hơn để làm gương cho con trẻ, đồng thời có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục, răn đe con. Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn vi phạm luật giao thông và là tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến giáo dục trẻ", TS Hương chia sẻ.

Bà mẹ có con đang học lớp 9 ở Hà Nội tâm sự rằng, con gái mình cũng đồng tình với quy định xử phạt của Sở Giáo dục bởi rất bức xúc với tình trạng vi phạm giao thông ở Việt Nam. Bản thân bé chưa bao giờ phạm luật vì đã quen tuân thủ khi học mẫu giáo ở Đức và được răn dạy rằng, nếu đi bộ vượt đèn đỏ, xe đi đúng chiều nếu đâm phải sẽ không bị phạt mà người đi bộ dù chết vẫn phải trả tiền sửa xe.

Ngày 7/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Văn bản yêu cầu: 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này. Phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Các nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.

Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Quỳnh Trang

*Tên nhân vật đã thay đổi.


Ý kiến của bạn