Sáng 27/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một hội nghị ngoài nghị trình chính thức để thảo luận thêm về một dự án luật, đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Phân định rõ trách nhiệm của người nhập khẩu, cung cấp và người bán thực phẩm
Liên quan đến tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nêu rõ Điều 317 Dự thảo luật quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm...”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) cho rằng quy định như vậy sẽ khó xử lý tội phạm trên thực tế bởi nếu chủ thể cho rằng mình không biết rõ là chất cấm thì sẽ không xử lý được. Đại biểu đề nghị cần phải quy định theo hướng có những danh mục cấm tuyệt đối được xem như điều kiện tiêu chuẩn mà các nhà cung cấp nhà sản xuất thực phẩm phải biết. Những điều khoản sử dụng thuật ngữ “biết rõ” Ban soạn thảo cần phân định cụ thể hơn trường hợp nào phải biết, trường hợp nào phải biết rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.
Dự thảo Luật cũng cần phân định rõ trách nhiệm của hai nhóm đối tượng là người nhập khẩu, cung cấp và người bán thực phẩm. Trong đó, nhóm người nhập khẩu, cung cấp là những người hiểu biết, có khả năng nắm rõ thông tin, nguồn gốc, chỉ số chất lượng hàng hóa cần phải biết rõ sản phẩm cung cấp có chất cấm hay không. Do đó, yêu cầu điều kiện và trách nhiệm cao hơn với nhóm người bán.
Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, quy định như Điều 317 là chưa chặt chẽ, cần quy định là “biết rõ và phải biết” là chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Lo ngại nghề luật sư bị tẩy chay
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH Khánh Hòa) - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự”. Nếu quy định theo hướng luật sư phải tố giác tội phạm là thân chủ của mình đối với những tội đã thực hiện, tham gia thực hiện quy định này xung đột, mâu thuẫn và không phù hợp với nguyên tắc lập pháp. Cụ thể, quy định này xung đột với Điều 9 Luật Luật sư và Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình bào chữa. Đồng thời, xét quy trình tố tụng trên thực tế hiện nay thì tính khả thi của Điều 19 cũng không bảo đảm. Như vậy, luật sư phải ứng xử thế nào đối với quy định như dự thảo Luật. Trường hợp, luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa hay không, xã hội có tẩy chay nghề luật sư, nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không khi niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư có nguy cơ sẽ mất dần và thui chột...
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phân tích, quan hệ luật sư và thân chủ là một trong những quan hệ cơ bản của hệ thống tư pháp, tạo ra sự cân bằng, tạo điều kiện nhằm bảo đảm công lý, quyền con người... Quy định tố giác tội phạm đối với luật sư cần phải có đủ các yếu tố là biết rõ hành vi, có chứng cứ và nếu không tố giác sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật một số nước chỉ yêu cầu tiết lộ thông tin đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra. Đối với những tội đã diễn ra không buộc luật sư phải tố giác...
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn ĐBQH Phú Yên) và đại biểu Phạm Đình Cúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm ủng hộ khoản 3 Điều 19 bởi luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ. Luật đã giới hạn phạm vi tố giác tội phạm đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm là phù hợp.