Quy chế Quản lý chất thải y tế (Kỳ 6)

21-11-2009 08:05 | Thời sự

1. Mỗi bệnh viện phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. 2. Các bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải phải bổ sung hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Kỳ 6: Chương IX: Xử lý nước thải và chất thải khí

Điều 27. Quy định chung về xử lý nước thải

1. Mỗi bệnh viện phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ.

2. Các bệnh viện không có hệ thống xử lý nước thải phải bổ sung hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

3. Các bệnh viện đã có hệ thống xử lý nước thải từ trước nhưng bị hỏng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, phải tu bổ và nâng cấp để vận hành đạt tiêu chuẩn môi trường.

4. Các bệnh viện xây dựng mới, bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải trong hạng mục xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Công nghệ xử lý nước thải bệnh viện phải đáp ứng với các tiêu chuẩn môi trường, phải phù hợp với các điều kiện địa hình, kinh phí đầu tư, chi phí vận hành và bảo trì.

6. Định kỳ kiểm tra chất lượng xử lý nước thải và lưu giữ hồ sơ xử lý nước thải.

Điều 28. Thu gom nước thải

1. Bệnh viện phải có hệ thống thu gom riêng nước bề mặt và nước thải từ các khoa, phòng. Hệ thống cống thu gom nước thải phải là hệ thống ngầm hoặc có nắp đậy.

2. Hệ thống xử lý nước thải phải có bể thu gom bùn.

Điều 29. Các yêu cầu của hệ thống xử lý nước thải bệnh viện

1. Có quy trình công nghệ phù hợp, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

2. Công suất phù hợp với lượng nước thải phát sinh của bệnh viện;

3. Cửa xả nước thải phải thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát;

4. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phải được quản lý như chất thải rắn y tế.

5. Định kỳ kiểm tra chất lượng xử lý nước thải. Có sổ quản lý vận hành và kết quả kiểm tra chất lượng liên quan.

Điều 30. Xử lý chất thải khí 

1. Các phòng xét nghiệm, kho hóa chất, dược phẩm phải có hệ thống thông khí và các tủ hốt hơi khí độc đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

2. Các thiết bị sử dụng khí hóa chất độc hại phải có hệ thống xử lý khí đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.

3. Khí thải lò đốt chất thải rắn y tế phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.

 Xử lý rác thải y tế.

Chương X: Tổ chức thực hiện

Điều 31. Trách nhiệm quản lý chất thải y tế

1. Người đứng đầu các cơ sở y tế:

a) Chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng.

b) Khâu vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải y tế, có thể hợp đồng với tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân thực hiện.

c) Lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án xử lý, tiêu hủy chất thải y tế phải thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

d) Mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải của địa phương để xử lý và tiêu hủy chất thải y tế theo quy định.

 đ) Thực hiện các biện pháp làm giảm lượng chất thải y tế phải tiêu hủy thông qua các hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái chế và tái sử dụng sau khi xử lý đúng quy định.

2. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế trên địa bàn trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Thủ trưởng các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng y tế các ngành chịu trách nhiệm quản lý và xây dựng kế hoạch xử lý chất thải y tế của cơ sở và các đơn vị trực thuộc trình Bộ trưởng Bộ chủ quản để xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

4. Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong việc quản lý chất thải y tế theo chức năng, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

 Điều 32. Đào tạo và nghiên cứu

1. Bộ Y tế xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo về quản lý chất thải y tế để áp dụng thống nhất trong các cơ sở y tế; Đưa nội dung quản lý chất thải y tế vào chương trình đào tạo trong các trường y, dược; Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiến tiến và phù hợp cho việc xử lý và tiêu hủy chất thải y tế.

2. Các cơ sở y tế tổ chức hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế  cho tất cả cán bộ viên chức của đơn vị và các đối tượng có liên quan, hướng dẫn người bệnh và gia đình người bệnh việc phân loại chất thải y tế theo quy định.

Điều 33. Đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải

 Các cơ sở y tế thực hiện đăng ký chủ nguồn thải và xử lý chất thải theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.

 Điều 34. Kinh phí

 1. Các cơ sở y tế phải bố trí nguồn kinh phí cho quản lý chất thải y tế.       

 2. Kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, vận hành và quản lý chất thải y tế từ các nguồn sau:

a) Ngân sách Nhà nước:

- Ngân sách sự nghiệp y tế

- Ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường.

b) Nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, các Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ.

c) Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chuyên mục này có sự phối hợp của Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế


Ý kiến của bạn