Hà Nội

Quy chế Quản lý chất thải y tế - Kỳ 4

16-11-2009 09:59 | Thời sự
google news

Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường và đáp ứng các yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Chương VI: Mô hình, công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải rắn y tế

Điều 19. Các mô hình xử lý, tiêu huỷ chất thải rắn y tế nguy hại và áp dụng mô hình:

1. Các mô hình xử lý, tiêu huỷ chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm:

a) Mô hình 1: Trung tâm xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế nguy hại tập trung.

b) Mô hình 2: Cơ sở xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế.

c) Mô hình 3: Xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn y tế nguy hại tại chỗ.

2. Các cơ sở y tế căn cứ vào quy hoạch, yếu tố địa lý, điều kiện kinh tế và môi trường để áp dụng một trong các mô hình xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế quy định tại Khoản 1 Điều này.

Hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện C Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn môi trường.

Điều 20. Công nghệ xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế nguy hại

1. Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường và đáp ứng các yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Các công nghệ xử lý chất thải y tế nguy hại gồm: thiêu đốt trong lò đốt đạt tiêu chuẩn môi trường, khử khuẩn bằng hơi nóng ẩm; công nghệ vi sóng và các công nghệ xử lý khác. Khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

Điều 21. Phương pháp xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao

1. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải được xử lý an toàn ở gần nơi chất thải phát sinh.

2. Phương pháp xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:

a) Khử khuẩn bằng hoá chất: ngâm chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trong dung dịch Cloramin B 1-2%, Javen 1-2% trong thời gian tối thiểu 30 phút hoặc các hoá chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và theo quy định của Bộ Y tế.

b) Khử khuẩn bằng hơi nóng: cho chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao vào trong máy khử khuẩn bằng hơi nóng và vận hành theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

c) Đun sôi liên tục trong thời gian tối thiểu 15 phút.

3. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao sau khi xử lý ban đầu có thể đem chôn hoặc cho vào túi nilon màu vàng để hoà vào chất thải lây nhiễm. Trường hợp chất thải này được xử lý ban đầu bằng phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt, vi sóng hoặc các công nghệ hiện đại khác đạt tiêu chuẩn thì sau đó có thể xử lý như chất thải thông thường và có thể tái chế.

Điều 22. Các phương pháp xử lý và tiêu huỷ chất thải lây nhiễm

1. Chất thải lây nhiễm có thể xử lý và tiêu huỷ bằng một trong các phương pháp sau:

a) Khử khuẩn bằng nhiệt ướt (autoclave)

b) Khử khuẩn bằng vi sóng

c) Thiêu đốt

d) Chôn lấp hợp vệ sinh: Chỉ áp dụng tạm thời đối với các cơ sở y tế các tỉnh miền núi và trung du chưa có cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại đạt tiêu chuẩn tại địa phương. Hố chôn lấp tại địa điểm theo quy định của chính quyền  và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý môi trường tại địa phương. Hố chôn lấp phải đáp ứng các yêu cầu: có hàng rào vây quanh, cách xa giếng nước, xa nhà tối thiểu 100 m, đáy hố cách mức nước bề mặt tối thiểu 1,5 mét, miệng hố nhô cao và che tạm thời để tránh nước mưa, mỗi lần chôn chất thải phải đổ lên trên mặt hố lớp đất dầy từ 10-25 cm và lớp đất trên cùng dầy 0,5 mét. Không chôn chất thải lây nhiễm lẫn với chất thải thông thường. Chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn trước khi chôn lấp.

đ) Trường hợp chất thải lây nhiễm được xử lý bằng phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt, vi sóng và các công nghệ hiện đại khác đạt tiêu chuẩn thì sau đó có thể xử lý, tái chế, tiêu huỷ như chất thải thông thường.

2. Chất thải sắc nhọn:

Có thể áp dụng một trong các phương pháp tiêu huỷ như sau:

a) Thiêu đốt trong lò đốt chuyên dụng cùng với chất thải lây nhiễm khác.

b) Chôn trực tiếp trong các hố xây xi măng chuyên dùng để chôn vật sắc nhọn: hố có đáy, có thành và có nắp đậy bằng bê tông.

3. Chất thải giải phẫu:

Có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:

a) Xử lý và tiêu huỷ giống như các chất thải lây nhiễm đã nêu ở Khoản 1 Điều 22.

b) Bọc trong hai lớp túi mầu vàng, đóng thùng và đưa đi chôn ở nghĩa trang.

c) Chôn trong hố bê tông có đáy và nắp kín.

(Còn nữa)

Chuyên mục này có sự phối hợp của
Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế

Ý kiến của bạn