Hà Nội

Quy chế Quản lý chất thải y tế - Kỳ 3

15-11-2009 11:15 | Thời sự
google news

Phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn tại các cơ sở y tế

CHƯƠNG IV:

Phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn tại các cơ sở y tế

Điều 13. Phân loại chất thải rắn

1. Người làm phát sinh chất thải phải thực hiện phân loại ngay tại nơi phát sinh chất thải.

2. Từng loại chất thải phải đựng trong các túi và thùng có mã mầu kèm biểu tượng theo đúng quy định.

 Phân loại rác thải ngay tại buồng bệnh.      Ảnh: Bùi Phương
Điều 14. Thu gom chất thải rắn trong cơ sở y tế

1. Nơi đặt thùng đựng chất thải.

a) Mỗi khoa, phòng phải định rõ vị trí đặt thùng đựng chất thải y tế cho từng loại chất thải, nơi phát sinh chất thải phải có loại thùng thu gom tương ứng.

b) Nơi đặt thùng đựng chất thải phải có hướng dẫn cách phân loại và thu gom.

c) Sử dụng thùng đựng chất thải theo đúng tiêu chuẩn quy định và phải được vệ sinh hàng ngày.

d) Túi sạch thu gom chất thải phải luôn có sẵn tại nơi chất thải phát sinh để thay thế cho túi cùng loại đã được thu gom chuyển về nơi lưu giữ tạm thời chất thải của cơ sở y tế.

2. Mỗi loại chất thải được thu gom vào các dụng cụ thu gom theo mã mầu quy định và phải có nhãn hoặc ghi bên ngoài túi nơi phát sinh chất thải.

 3. Các chất thải y tế nguy hại không được để lẫn trong chất thải thông thường. Nếu vô tình để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu huỷ như chất thải y tế nguy hại.

 4. Lượng chất thải chứa trong mỗi túi chỉ đầy tới 3/4 túi, sau đó buộc cổ túi lại.

 5. Tần suất thu gom: Hộ lý hoặc nhân viên được phân công hàng ngày chịu trách nhiệm thu gom các chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường từ nơi chất thải phát sinh về nơi tập trung chất thải của khoa ít nhất 1 lần trong ngày và khi cần.

 6. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi thu gom về nơi tập trung chất thải của cơ sở y tế phải được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải.

 Điều 15. Vận chuyển chất thải rắn trong cơ sở y tế

1. Chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường phát sinh tại các khoa/phòng phải được vận chuyển riêng về nơi lưu giữ chất thải của cơ sở y tế ít nhất một lần một ngày và khi cần.

 2. Cơ sở y tế phải quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực sạch khác.

3. Túi chất thải phải buộc kín miệng và được vận chuyển bằng xe chuyên dụng; không được làm rơi, vãi chất thải, nước thải và phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.

Điều 16. Lưu giữ chất thải rắn trong các cơ sở y tế

1. Chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường phải lưu giữ trong các buồng riêng biệt.

2. Chất thải để tái sử dụng, tái chế phải được lưu giữ riêng.       

3. Nơi lưu giữ chất thải tại các cơ sở y tế phải có đủ các điều kiện sau:

a) Cách xa nhà ăn, buồng bệnh, lối đi công cộng và khu vực tập trung đông người tối thiểu là 10 mét.    

b) Có đường để xe chuyên chở chất thải từ bên ngoài đến.

c) Nhà lưu giữ chất thải phải có mái che, có hàng rào bảo vệ, có cửa và có khoá. Không để súc vật, các loài gặm nhấm và người không có nhiệm vụ tự do xâm nhập.

d) Diện tích phù hợp với lượng chất thải phát sinh của cơ sở y tế.

đ) Có phương tiện rửa tay, phương tiện bảo hộ cho nhân viên, có dụng cụ, hoá chất làm vệ sinh.

e) Có hệ thống cống thoát nước, tường và nền chống thấm, thông khí tốt.

g) Khuyến khích các cơ sở y tế lưu giữ chất thải trong nhà có bảo quản lạnh.     

4. Thời gian lưu giữ chất thải y tế nguy hại tại cơ sở y tế.

a) Thời gian lưu giữ chất thải trong các cơ sở y tế không quá 48 giờ.

b) Lưu giữ chất thải trong nhà bảo quản lạnh hoặc thùng lạnh: thời gian lưu giữ có thể đến 72 giờ.

 c) Chất thải giải phẫu phải chuyển đi chôn hoặc tiêu huỷ hàng ngày.

d) Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh dưới 5 kg/ngày, thời gian thu gom tối thiểu hai lần trong một tuần.

Chương V

Vận chuyển chất thải rắn y tế ra ngoài cơ sở y tế

Điều 17. Vận chuyển

1. Các cơ sở y tế ký hợp đồng với cơ sở có tư cách pháp nhân trong việc vận chuyển và tiêu huỷ chất thải. Trường hợp địa phương chưa có cơ sở đủ tư cách pháp nhân vận chuyển và tiêu huỷ chất thải y tế thì cơ sở y tế phải báo cáo với chính quyền địa phương để giải quyết.

2. Chất thải y tế nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng bảo đảm vệ sinh, đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.

3. Chất thải y tế nguy hại trước khi vận chuyển tới nơi tiêu huỷ phải được đóng gói trong các thùng để tránh bị bục hoặc vỡ trên đường vận chuyển.

4. Chất thải giải phẫu phải đựng trong hai lượt túi màu vàng, đóng riêng trong thùng hoặc hộp, dán kín nắp và ghi nhãn "CHẤT THẢI GIẢI PHẪU" trước khi vận chuyển đi tiêu huỷ.

Điều 18. Hồ sơ theo dõi và vận chuyển chất thải

Mỗi cơ sở y tế phải có hệ thống sổ theo dõi lượng chất thải phát sinh hàng ngày; có chứng từ chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường được chuyển đi tiêu huỷ theo mẫu quy định tại Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại.


Ý kiến của bạn