Quy chế Quản lý chất thải y tế

13-11-2009 07:04 | Thời sự
google news

Chất thải phóng xạ: Gồm các chất thải phóng xạ rắn, lỏng và khí phát sinh từ các hoạt động chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và sản xuất.

Kỳ 2 : XÁC ĐỊNH CHẤT THẢI Y TẾ

Điều 6. Các loại chất thải y tế

3. Chất thải phóng xạ:

Chất thải phóng xạ: Gồm các chất thải phóng xạ rắn, lỏng và khí phát sinh từ các hoạt động chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và sản xuất.

Danh mục thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu dùng trong chẩn đoán và điều trị ban hành kèm theo Quyết định số 33/2006/QĐ-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Bình chứa áp suất:

Bao gồm bình đựng oxy, CO2, bình ga, bình khí dung. Các bình này dễ gây cháy, gây nổ khi thiêu đốt.

5. Chất thải thông thường:

Chất thải thông thường là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy, nổ, bao gồm:

a) Chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly).

b) Chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như các chai lọ thủy tinh, chai huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín. Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và các chất hóa học nguy hại.

c) Chất thải phát sinh từ các công việc hành chính: giấy, báo, tài liệu, vật liệu đóng gói, thùng các tông, túi nilon, túi đựng phim.

d) Chất thải ngoại cảnh: lá cây và rác từ các khu vực ngoại cảnh.

Chương III: TIÊU CHUẨN CÁC DỤNG CỤ BAO BÌ ĐỰNG VÀ VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ

Điều 7. Mã màu sắc

1. Màu vàng đựng chất thải lây nhiễm.

2. Màu đen đựng chất thải hóa học nguy hại và chất thải phóng xạ.

3. Màu xanh đựng chất thải thông thường và các bình áp suất nhỏ.

4. Màu trắng đựng chất thải tái chế.

Điều 8. Túi đựng chất thải

1. Túi màu vàng và màu đen phải làm bằng nhựa PE hoặc PP, không dùng nhựa PVC.

2. Túi đựng chất thải y tế có thành dày tối thiểu 0,1mm, kích thước túi phù hợp với lượng chất thải phát sinh, thể tích tối đa của túi là 0,1m3.

3. Bên ngoài túi phải có đường kẻ ngang ở mức 3/4 túi và có dòng chữ "KHÔNG ĐƯỢC ĐỰNG QUÁ VẠCH NÀY".

4. Các túi đựng chất thải phải tuân theo hệ thống màu quy định tại Điều 7 của Quy chế này và sử dụng đúng mục đích.

Điều 9. Dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn

1. Dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn phải phù hợp với phương pháp tiêu hủy cuối cùng.

2. Hộp đựng chất thải sắc nhọn phải bảo đảm các tiêu chuẩn:

a) Thành và đáy cứng không bị xuyên thủng.

b) Có khả năng chống thấm.

c) Kích thước phù hợp.

d) Có nắp đóng mở dễ dàng.

đ) Miệng hộp đủ lớn để cho vật sắc nhọn vào mà không cần dùng lực đẩy.

e) Có dòng chữ "CHỈ ĐỰNG CHẤT THẢI SẮC NHỌN", có vạch báo hiệu ở mức 3/4 hộp và có dòng chữ "KHÔNG ĐƯỢC ĐỰNG QUÁ VẠCH NÀY".

g) Màu vàng.

h) Có quai hoặc kèm hệ thống cố định.

i) Khi di chuyển vật sắc nhọn bên trong không bị đổ ra ngoài.

3. Đối với các cơ sở y tế sử dụng máy hủy kim tiêm, máy cắt bơm kim tiêm, hộp đựng chất thải sắc nhọn phải được làm bằng kim loại hoặc nhựa cứng, có thể dùng lại và phải là một bộ phận trong thiết kế của máy hủy, cắt bơm kim.

4. Đối với hộp nhựa đựng chất thải sắc nhọn có thể tái sử dụng, trước khi tái sử dụng, hộp nhựa phải được vệ sinh, khử khuẩn theo quy trình khử khuẩn dụng cụ y tế. Hộp nhựa sau khi khử khuẩn để tái sử dụng phải còn đủ các tính năng ban đầu.

Điều 10. Thùng đựng chất thải

a) Phải làm bằng nhựa có tỷ trọng cao, thành dày và cứng hoặc làm bằng kim loại có nắp đậy mở bằng đạp chân. Những thùng thu gom có dung tích từ 50 lít trở lên cần có bánh xe đẩy.

b) Thùng màu vàng để thu gom các túi, hộp chất thải màu vàng. 

c) Thùng màu đen để thu gom các túi chất thải màu đen. Đối với chất thải phóng xạ, thùng đựng phải làm bằng kim loại.

d) Thùng màu xanh để thu gom các túi chất thải màu xanh.

đ) Thùng màu trắng để thu gom các túi chất thải màu trắng.

e) Dung tích thùng tùy vào khối lượng chất thải phát sinh, từ 10-250 lít.

g) Bên ngoài thùng phải có vạch báo hiệu ở mức 3/4 thùng và ghi dòng chữ "KHÔNG ĐƯỢC ĐỰNG QUÁ VẠCH NÀY".

 Điều 11. Biểu tượng chỉ loại chất thải

 Mặt ngoài túi, thùng đựng một số loại chất thải nguy hại và chất thải để tái chế phải có biểu tượng chỉ loại chất thải phù hợp (Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy chế này):

a) Túi, thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có biểu tượng nguy hại sinh học.

b) Túi, thùng màu đen đựng chất thải gây độc tế bào có biểu tượng chất gây độc tế bào kèm dòng chữ "CHẤT GÂY ĐỘC TẾ BÀO".

c) Túi, thùng màu đen đựng chất thải phóng xạ có biểu tượng chất phóng xạ và có dòng chữ "CHẤT THẢI PHÓNG XẠ".

d) Túi, thùng màu trắng đựng chất thải để tái chế có biểu tượng chất thải có thể tái chế.

Điều 12. Xe vận chuyển chất thải

 Xe vận chuyển chất thải phải đảm bảo các tiêu chuẩn: có thành, có nắp, có đáy kín, dễ cho chất thải vào, dễ lấy chất thải ra, dễ làm sạch, dễ tẩy uế, dễ làm khô.

Chuyên mục này có sự phối hợp của Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế


Ý kiến của bạn