Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) được thực hiện theo phương châm quản lý chặt chẽ, thận trọng, quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH nhằm bảo toàn sự bền vững của Quỹ.
Theo Bộ trưởng, xét về tổng quát có thể thấy việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm trong những năm qua được đề cao trách nhiệm, công tác quản lý chặt chẽ hơn, thận trọng hơn, duy trì theo hướng vừa bảo toàn sự bền vững của quỹ, sử dụng theo hướng trái phiếu của Chính phủ và cho Nhà nước vay. Điểm nổi bật trong năm 2019 là việc phát triển đối tượng bảo hiểm bắt buộc đạt nhiều kết quả tích cực khi số lượng tham gia ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc phát triển BHXH tự nguyện cũng có nhiều thành công. Phân tích nguyên nhân đạt được kết quả này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, sau khi Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp tăng lên. Bên cạnh đó, Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển lực lượng BHXH nên một số địa phương đưa nội dung này vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc.
Quỹ BHXH được quản lý chặt chẽ, phát triển theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, hạn chế như tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm, thu hồi chi bảo hiểm thất nghiệp sai, chậm, kết dư một số quỹ quá lớn, chủ yếu là quỹ ngắn hạn như Quỹ Thất nghiệp... Vấn đề này sẽ được các bộ, ngành tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban ghi nhận kết quả năm 2019 việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm đạt cao nhất, số tham gia của năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 cao bằng 10 năm thực hiện chính sách này; đồng thời tỷ lệ hưởng BHXH một lần có xu hướng giảm, đây là một xu hướng tích cực. Việc cải cách thủ tục hành chính và công nghệ thông tin được thực hiện tốt, tiếp tục giảm thêm thủ tục hành chính; biên chế bộ máy đã giảm so với năm 2019. Quỹ BHXH và các quỹ thành phần đều kết dư trừ Quỹ Ốm đau thai sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2019. Cụ thể như việc xử lý nợ đọng BHXH, thất nghiệp kéo dài, trong đó doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Việc hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện cần phải tiếp tục điều chỉnh cho hợp lý; cơ chế xây dựng chính sách phối hợp quản lý điều hành vẫn còn một số nội dung chưa được thống nhất cao; Quỹ Ốm đau thai sản chi khá cao.
Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban bổ sung thêm, có một vấn đề vẫn đang tồn tại - đó là việc người có thẻ BHYT gia đình khi đi khám bệnh lại không được ưu tiên bằng những người bỏ tiền mặt ra để khám chữa bệnh, do đó, đề nghị BHXH địa phương phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh khắc phục tình trạng này.
Nhiều ý kiến đề nghị, các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật BHXH tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là việc trốn đóng BHXH, quản lý, sử dụng Quỹ BHXH. Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng, hưởng BHXH.
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thành viên Ủy ban đánh giá cao Chính phủ, bộ, ngành trong năm qua đã làm tốt một số nội dung về thực hiện chính sách, chế độ BHXH; tuy nhiên, đề nghị cần nhìn nhận rõ một số hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, dự báo những khó khăn thách thức trong năm 2020 để đưa ra các biện pháp giải quyết kịp thời và phù hợp; Ủy ban luôn đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xử lý những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH.