Hà Nội

Quý 2/2024, dự kiến trẻ em ở nước ta sẽ được uống miễn phí vaccine phòng bệnh rotavirus

19-12-2023 18:08 | Y tế

SKĐS - Vaccine phòng bệnh rotavirus cho trẻ sẽ là vaccine thứ 11 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng...

Dự kiến vaccine rota sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành

Thông tin với báo chí chiều 19/12, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), cho biết, với vaccine phòng bệnh tiêu chảy do rotavirus, Bộ Y tế giao cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng đưa vào từ năm 2023. 

Tuy nhiên, theo PGS.TS Dương Thị Hồng để triển khai một vaccine mới thì phải có sự chuẩn bị chu đáo, hướng dẫn, tập huấn trên quy mô toàn quốc. Bộ Y tế đang sửa thông tư 38 để đưa vaccine này vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine này được hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI). 

Quý 2/2024, dự kiến trẻ em ở nước ta sẽ được uống miễn phí vaccine phòng bệnh rotavirus- Ảnh 1.

Quý 2/2024, dự kiến trẻ em ở nước ta sẽ được uống miễn phí vaccine phòng bệnh rotavirus

Theo đó, GAVI hỗ trợ 20% số vaccine, Việt Nam tự túc 80%. Vaccine phòng bệnh rotavirus sản xuất trong nước đang được Bộ Y tế, Bộ Tài chính phê duyệt giá. Giống như các vaccine khác nếu hoàn thành, Chương trình Tiêm chủng mở rộng có thể tiếp nhận được vào quý 1/2024. 

Theo đó, vaccine này sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành. Dự kiến quý 1/2024 sẽ triển khai tập huấn cho cán bộ y tế, quý 2 sẽ triển khai uống. Đến cuối năm 2024, Bộ Y tế sẽ mở rộng phạm vi triển khai để đến năm 2025 có đủ vaccine triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước. 

Đây sẽ là vaccine thứ 11 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104 về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ngoài vaccine phòng rotavirus, năm 2025 sẽ thêm vaccine phế cầu, sau đó là vaccine HPV vào năm 2026 và vaccine cúm mùa vào năm 2030. 

Thí điểm triển khai tiêm chủng vaccine tại trường học

Thông tin với báo chí chiều cùng ngày, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thêm, một điểm mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học.

Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng. 

Dự kiến đến năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.

Theo chuyên gia, cơ sở giáo dục là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ. Triển khai hàng năm hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều vaccine khi nhập học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi sẽ giúp can thiệp đúng đối tượng, thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, không để dịch xảy ra, góp phần tiết kiệm nguồn lực về con người, vắc xin chủ động là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

Hiện nay vẫn còn lưu hành virus bại liệt hoang dại tại một số quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Mozambique… Ngoài ra, còn có virus biến đổi di truyền nguy hiểm không khác gì virus bại liệt hoang dại, có thể để lại di chứng nhất định. Vì thế, Việt Nam cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine, thông tin với báo chí, PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho biết về kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vaccine tiêm chủng mở rộng quý 1/2024 tập trung tăng cường quản lý đối tượng, ưu tiên tiêm bù, tiêm trả mũi các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng : giám sát bệnh sởi, rubella, LMC/Bại Liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus Rota.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn...

Việt Nam còn bao nhiêu liều vaccine COVID-19?Việt Nam còn bao nhiêu liều vaccine COVID-19?

SKĐS - Số vaccine COVID-19 đang dự trữ tại Kho của Viện Vệ sinh dịch tễ TW đang được bảo quản chặt chẽ, đúng quy trình số vaccine COVID-19... Hiện có khoảng gần 50.000 người đăng ký tiêm vaccine COVID-19.



Thái Bình
Ý kiến của bạn