Theo ghi nhận thực tế, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường ở thị trấn Ái Nghĩa (thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bị ngập sâu. Trên tuyến QL14B qua địa phận của huyện này có nhiều đoạn bị sạt lở, ngập sâu, khiến các phương tiện giao thông khi di chuyển rất khó khăn. Sở GTVT tỉnh Quảng Nam phải gắn biển cảnh báo "đoạn đường đang sạt lở" để cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Trong khi đó, tại huyện Duy Xuyên, nhiều khu vực của thị trấn Nam Phước bị nước nhấn chìm. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập trong nước, gây chia cắt cục bộ. Nước cũng đã tràn qua QL14H khiến các phương tiện giao thông qua đây rất nguy hiểm.
Theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Nam, tính đến đầu giờ chiều nay (ngày 10/10), các tuyến gồm: Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông), Đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây), QL.14G, Trường Sơn Đông vẫn lưu thông bình thường.
Trong khi đó, tại QL14B, tắc đường tại tại Km32+550 do ngập nước, sâu 50cm (thuộc địa phận xã Đại Hiệp, huyện Địa Lộc). Tại QL14D, tắc đường tại Km41+800 do sạt lở taluy dương – đã thông xe bước 1 (thuộc xã Chaval huyện Nam Giang).
Tại QL14H, tắc đường tại Chợ Bà Lê (Km 5+700) thuộc phường Cẩm Châu, TP. Hội An, Km8+400, Km25+300 (Xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên) do ngập nước, sâu 40-50cm và tại Km 51+200 (Xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) nước và đất chảy tràn mặt đường, phương tiện qua lại khó khăn.
Tại QL40B, tắc đường tại ngầm sông Trường (Km62+380) và Nước Oa (Km62+880) do ngập nước, sâu 1m-1,2m (đoạn qua xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My).
Cùng ngày, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc "tập trung ứng phó mưa lũ".
Theo công văn, trong 24 giờ qua, các địa phương ở Quảng Nam đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo trong vài ngày tới các địa phương tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất là tại các địa phương miền núi.
Để tập trung ứng phó mưa lũ và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ".
Rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước. Kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.
Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình. Trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.
Rà soát phương án, công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện; an toàn đê điều, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện, hầm lò, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương.
Nước lũ tràn về tại khu vực bờ kè ngã 3 sông Leng xã Trả Leng (Nam Trà My Quảng Nam), ngay phía sau Trường tiểu học xã Trà Leng. CTV
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên. Thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng Quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 10/10, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông báo tin lũ trên sông Vu Gia và cảnh báo lũ trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ. Theo đó, hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia đang lên nhanh, trên sông Thu Bồn và Tam Kỳ đang lên. Mực nước lúc 10 giờ ngày 10/10 tại các trạm như sau: tại Hội Khách là 13.03 m dưới mức báo động I là 1.42m; tại Ái Nghĩa là 7.62m, dưới báo động II: 0.38m, tại Hội An là 1.08m trên báo động I là 0.08m… Dự báo lũ trên sông Vu Gia trong khoảng 6- 24 giờ tới lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa tiếp tục lên ở mức xấp xỉ báo động III.
Trên sông Thu Bồn khả năng lên mức báo động 1 – báo động 2, trên sông Tam Kỳ khả năng lên ở mức báo động 1 đến báo động II. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt sâu những vùng trũng thấp, ven sông suối tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và thị trấn Núi Thành. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cũng phát đi cảnh báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập lụt tại các vùng trũng, thấp ven sông.