Hà Nội

Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 7

19-05-2024 09:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngoài công tác lập pháp, các vấn đề KT-XH, NSNN, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng 19/5, VPQH tổ chức buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Buổi họp báo được chủ trì bởi Tổng Thư ký, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường. 

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm VPQH Vũ Minh Tuấn đã giới thiệu tóm tắt dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Ông Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 7 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024; Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.

Về công tác lập pháp

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật BHXH (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật TTATGT đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 7- Ảnh 1.

Họp báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 19/5.

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật PCCC&CNCH; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Các vấn đề KT-XH, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung sau: Xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH, NSNN; Xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; Tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023"; Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…

Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, VPQH cũng đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền đậm nét, trang trọng về phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là thông điệp phát biểu khai mạc kỳ họp.

Đối với các dự án luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến: tập trung tuyên truyền về sự cần thiết ban hành luật, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; quan điểm, mục tiêu xây dựng luật; những nội dung chính của dự thảo luật; những điểm mới của dự thảo luật so với luật hiện hành (đối với những dự án luật sửa đổi và dự án luật sửa đổi, bổ sung); phản ánh chính xác, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận.

Sau phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 9 (sáng 18/5/2024), các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã họp để nghe đánh giá tình hình công việc của đất nước trong thời gian vừa qua và tập trung cho ý kiến chỉ đạo để triển khai công việc trong thời gian tới theo kết luận Hội nghị Trung ương 9 đã đề ra. Đây là cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị Trung ương 9 đã thông qua một số nội dung quan trọng và giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Tổng Bí thư chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu: Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Trung ương giới thiệu Đại tướng Tô Lâm để bầu giữ chức Chủ tịch nướcTrung ương giới thiệu Đại tướng Tô Lâm để bầu giữ chức Chủ tịch nước

SKĐS - Lúc 10h sáng nay (18/5), tại Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn