Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023

11-11-2022 15:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Với đại đa số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, chiều 11/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2023. Kết quả biểu quyết bằng hình thức điện tử cho thấy, có 453/458 ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 - Ảnh 1.

Các ĐBQH biểu quyết bằng hình thức điện tử để thông qua Nghị quyết.

Trước khi các ĐBQH thực hiện biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTƯ năm 2023.

Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTƯ năm 2023. Trên cơ sở 375 ý kiến nhất trí, 48 ý kiến tham gia của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, về ý kiến đề nghị cần ban hành giải pháp cụ thể, gắn liền với chế tài và trách nhiệm cá nhân trong việc phân bổ, giải ngân nguồn vốn đầu tư NSTƯ đặc biệt là Chương trình phục hồi kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBTVQH đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ NSTƯ năm 2023.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục, điều kiện phân bổ theo đúng quy định các khoản chi của NSTƯ chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phương án phân bổ cụ thể, bổ sung dự toán trong năm đối với số kinh phí của NSTƯ chưa phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Đối với các Chương trình, đề án chưa đề xuất cụ thể nguyên tắc, tiêu chí thì chưa có căn cứ để phân bổ cụ thể. Để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị giao Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên, chi đầu tư áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách trình UBTVQH quyết định.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc lại tỷ lệ điều tiết của địa phương một cách hợp lý, nâng mức được giữ lại để bảo đảm nguồn lực phát triển cho địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc xác định lại tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho từng địa phương trên cơ sở dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương năm 2023 và áp dụng trong thời kỳ ổn định ngân sách đến năm 2025.

Về ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ để bố trí cho công tác an sinh xã hội, UBTVQH cho rằng, các nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đã cơ bản được bảo đảm.

Ngoài ra, trong điều hành ngân sách, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhất là các địa phương có khả năng cân đối ngân sách cần ưu tiên bổ sung nguồn lực bố trí cho công tác an sinh xã hội theo thẩm quyền.

Về hỗ trợ từ NSTƯ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 và các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ Luật Ngân sách nhà nước, đề xuất của Bộ Công an, thực tiễn triển khai thời gian vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương tương ứng 21% số thu thực tế phát sinh trên địa bàn năm trước liền kề năm hiện hành để chi cho các lực lượng của địa phương.

Báo cáo cũng đã giải trình ý kiến của các ĐBQH về căn cứ phân bổ nguồn lực cho các một số chương trình, đề án đã được phê duyệt có phạm vi thực hiện bao gồm các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong các năm qua khi chưa có nguyên tắc, tiêu chí phân bổ; phương án phân bổ vốn đầu tư của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nguồn NSTƯ.

‘Làm lộ, lọt thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử’ được đề xuất là hành vi bị cấm‘Làm lộ, lọt thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử’ được đề xuất là hành vi bị cấm

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 11/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sương mù dày đặc miền Bắc, hàng chục chuyến bay không thể hạ cánh.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn