Sáng 23/11, Quốc hội đã thông qua 5 luật gồm: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dân quân Tự vệ với đại đa số tán thành. Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý những nội dung đã được ĐBQH góp ý.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được thông qua quy định theo cấp hướng chứng chỉ hành nghề một lần cho cán bộ y tế. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng sẽ chỉ cấp giấy phép hoạt động một lần. Để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh của cán bộ và cơ sở y tế sau khi chứng chỉ hoặc giấy phép đã được cấp, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được tăng cường. Luật còn bổ sung nhiều quy định cụ thể về y đức của người hành nghề y cũng như thái độ, hành xử của người đi khám chữa bệnh. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm gồm có từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề; hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn (trừ trường hợp cấp cứu; nghiêm cấm người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y...; quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động…
Về quy định cấm cán bộ công chức, viên chức tham gia thành lập, điều hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Ủy ban thường vụ QH cho rằng:Việc quy định chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã là phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức. Quy định như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép thành lập phòng khám tư và được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở KCB tư theo hợp đồng, tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu KCB của cộng đồng dân cư, nhất là trong tình trạng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực y tế phục vụ cho công tác KCB. Vì vậy, Ủy ban thường vụ QH xin được giữ khoản 13 Điều 6 như dự thảo Luật.
Một nội dung sửa đổi quan trọng khác cũng đã được tiếp thu, thể hiện trong Luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp trong khám chữa bệnh. Theo đó, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về khám bệnh, chữa bệnh; việc tố cáo và giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là 05 năm kể từ khi sự việc xảy ra.
Anh Tuệ