Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
Liên quan đến những vụ kiện tố tụng hành chính, đa số các đại biểu đều cho rằng, người dân rất ngại kiện “quan” ra tòa. Khoản 3, Điều 62 trong dự thảo luật quy định về trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Cho ý kiến vào nội dung này, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết, rất nhiều người dân mong đợi, kỳ vọng vào đợt sửa đổi Luật Tố tụng hành chính lần này. Từ trước đến nay, người dân vẫn rất e ngại đi kiện “quan”. Đợt sửa đổi lần này hy vọng giải tỏa được tâm lý e ngại của người dân khi có việc phải ra tòa để tìm sự công bằng. Điều này có tác động tích cực để nền hành chính ngày càng minh bạch, hiệu quả, đại biểu Hùng nói và đề nghị xác định Tòa án Nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính và người đứng đầu cơ quan hành chính. Trong quá trình xét xử nếu còn vướng mắc giao cho tòa án cấp cao xử lý.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có.
Tại phiên thảo luận, thẳng thắn nêu ra ý kiến, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho biết, một số cán bộ của chúng ta còn mắc căn bệnh “thù lâu nhớ dai”. Dẫn chứng cụ thể trong một số vụ kiện liên quan đến tố tụng hành chính, ĐB Chu Sơn Hà cho biết ông có nghe ý kiến từ một người Chánh án TAND cấp huyện phản ánh, có trường hợp Thẩm phán xét xử tuyên “dân kiện quan” thắng, nhưng đến khi tái bổ nhiệm mặc dù Thẩm phán đó có năng lực, nằm trong quy hoạch nhưng vẫn rất khó khăn, buộc lòng phải chuyển sang công tác ở một vị trí khác... “Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có” - ông Hà khẳng định và kiến nghị làm sao nghiên cứu thẩm quyền của cấp huyện nên chỉ xử các vụ án hành chính từ xã trở xuống, án ở cấp huyện thì lên tỉnh xử, án ở cấp tỉnh thì lên tòa án tối cao xử để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 28/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015... Thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng...
Hoàng Dương - Anh Tuấn