Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015: Cần đưa vào luật quy định về phòng chống bạo hành nhân viên y tế

25-05-2017 23:46 | Thời sự

SKĐS - Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (ngày 24/5).

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (ngày 24/5). Quốc hội nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, trong đó liên quan đến vấn đề các y bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có một điều luật cụ thể nằm trong Bộ luật Hình sự để xử lý vấn đề này.

Cho ý kiến về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người và các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác). Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH An Giang) đã có bài phát biểu liên quan đến tình hình bạo hành đối với nhân viên y tế đã gia tăng ở mức báo động. Mặc dù, không thể phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế cùng với chính quyền địa phương và lực lượng công an với quy chế phối hợp liên ngành giữa y tế và công an nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, tính chất răn đe của luật pháp còn chưa cao dẫn đến hậu quả là số vụ bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, tại BV Bạch Mai đã có 23 vụ phạm pháp hình sự bị bắt quả tang tại BV, còn BV Thanh Nhàn riêng trong năm 2016 có 8 trường hợp nhân viên y tế bị hăm dọa, hành hung (các con số này chỉ là rất nhỏ so với thực tế vì rất nhiều các trường hợp không báo cáo, thống kê), đã có nhân viên y tế bị hành hung gây thương tích nghiêm trọng, đã có những côn đồ manh động vào tận bệnh viện truy sát, đe dọa tính mạng...Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại nghị trường.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại nghị trường.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác chính là phương pháp tốt nhất để người bệnh có được sự chăm sóc chu đáo, đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác điều trị. Trên thế giới, một số quốc gia đã có Luật Phòng chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản của các cơ sở dịch vụ y tế mà tiêu biểu là luật của bang Masharashtra, Ấn Độ ban hành ngày 30/3/2009. Luật tương đối ngắn gọn với 8 điều khoản dài khoảng 3 trang giấy khổ A4 nhưng dễ hiểu với các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với các hành vi bạo hành với các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù các trang thiết bị, tài sản của các cơ sở y tế.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đang được trình Quốc hội để góp ý và biểu quyết có Điều 134 về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác, có nhấn mạnh rất nhiều tình tiết tăng nặng như gây thương tích cho các đối tượng người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau, ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình... (khoản 1 Điều 134 mục d, đ) nhưng không hề nhắc đến những người đang trực tiếp chăm sóc sức khỏe, cứu sống tính mạng mình. Ngành y tế cũng không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ vì hiện nay các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, các cán bộ y tế không còn là công chức nên khi hành nghề không được coi là đang thi hành công vụ. Không thể để bệnh viện là nơi mà tính côn đồ được lộng hành vì ngay cả trong nhà hàng, bến xe khi hành động bạo hành xảy ra, các nhân viên, cán bộ cũng có thể sử dụng vũ lực chống trả nhưng với những người thầy thuốc đang khoác chiếc áo blouse trắng thì việc cởi áo ra để tự vệ thật không hề dễ dàng.

Với tính thời sự cấp bách, để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng, tinh thần của các cán bộ y tế - những người đang ngày đêm trực tiếp làm công việc cứu chữa bệnh nhân, đại biểu đề nghị Quốc hội có lộ trình xem xét, thảo luận việc ban hành luật về phòng chống bạo hành nhân viên y tế và hủy hoại tài sản ở các cơ sở dịch vụ y tế hoặc chí ít có một điều luật nằm trong Bộ luật Hình sự đang chỉnh sửa.

Ngày 25/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý ngoại thương, thảo luận về Dự án Luật Quản lý ngoại thương. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Bên lề hành lang Quốc hội, PV báo SK&ÐS đã trao đổi với một số đại biểu để làm rõ thêm vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương: “Cần đưa vào một điều khoản cụ thể để bảo vệ y bác sĩ”

Liên quan đến việc hành hung cán bộ y tế trong thời gian qua đang có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng, tại nghị trường đã có một số ý kiến phát biểu về vấn đề này, là những người hoạt động trong ngành y chúng tôi rất đồng tình. Đến nay, trong Bộ luật Hình sự gần như chưa có quy định áp dụng hành vi hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, đâu đó rải rác ở các điều, khoản khác có quy định nhưng rất mờ nhạt. Cho nên chúng tôi kiến nghị có ý kiến chung cần đưa vào một điều khoản cho thật rõ nét. Nếu được, nên trở thành một điều khoản và có thể chia thành một nhóm đó là nhóm người thi hành công vụ trong nghề nghiệp đặc biệt như: giáo viên, bác sĩ, luật sư... để những người này yên tâm công tác.


Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn ĐBQH Hà Nội) - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Không thể quy định hết tất cả đối với từng đối tượng, từng lĩnh vực một”
Trước hết phải nói rằng, tất cả các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân nói chung đều bị pháp luật xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong xã hội có rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: nhà báo, luật sư, bác sĩ... thường xuyên phải va chạm, tiếp xúc nhiều đối tượng khác nhau. Do vậy pháp luật không thể quy định hết tất cả đối với từng đối tượng, từng lĩnh vực một. Đối với cán bộ nhân viên y tế cũng vậy.

Về mặt nguyên tắc, chính sách pháp luật hình sự của nhà nước ta bảo đảm trên cơ sở nguyên tắc của hiến pháp là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, dù bất kể ở cương vị nào, hay ở lĩnh vực nào, khi bị xâm hại đều phải xử lý trên nguyên tắc chung của pháp luật hình sự với các hành vi xâm hại tương ứng; không phân biệt xem xét để áp dụng tội danh riêng hoặc xử lý ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Nhóm PVTS
Ý kiến của bạn