Trình Quốc hội xem xét quyết định một số nội dung theo 2 phương án
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về quy mô đầu tư dự án PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 4 theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng, các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực để tập trung nguồn lực. 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tuy nhiên, quy định “nhà máy điện” do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, Phương án 1: giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)”. Phương án 2: không quy định áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện”.
Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), UBTVQH xin trình 02 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1: Xin tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua... Phương án 2: Không quy định về dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong Luật này; rà soát bỏ các quy định về BT tại một số điều khoản tại dự án Luật do loại hợp đồng BT về bản chất không phải là đối tác công tư như các loại hợp đồng PPP khác.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng.
Tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội
Thảo luận tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) quan tâm cho ý kiến về lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, đối với quy định nhà máy điện, ĐB tán thành lựa chọn Phương án 1. Theo đó, chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. ĐB cũng đồng tình quan điểm đối với nhà máy thủy điện, không khuyến khích thủy điện do vấn đề ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, mức độ an toàn đối với đời sống của người dân...
Cho ý kiến về các quy định liên quan đến hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) tán thành với phương án 1 của Dự án Luật rằng sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến dự án áp dụng loại hợp đồng BT theo phương thức mới theo hướng chặt chẽ hơn tại dự thảo Luật PPP, tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất để điều chỉnh dự án áp dụng loại hợp đồng BT nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về ngân sách nhà nước. Thực tiễn thời gian qua, BT là phương thức thực hiện chủ yếu trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai.
Đối với các quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, nhiều ĐB chỉ ra rằng bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Do đó, các đại biểu cho rằng, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Chính vì vậy, nhiều đại biểu tán thành như quy định về nội dung kiểm toán tại Điều 87 của Dự án Luật.
Kết luận Phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận, hoàn thiện Dự án Luật trình các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua.