Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí

27-11-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 26/11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Tại nghị trường...

Sáng ngày 26/11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Tại nghị trường, các vấn đề như: quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin cho báo chí; tự do báo chí; quy định về thẻ nhà báo; đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo;... đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin

Về quyền tự do báo chí, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM), hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo góc tiếp cận nên đề nghị làm rõ khái niệm. Từ đặc thù và thực tế của báo chí nước ta, khi báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin mà còn là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Để đảm bảo quyền tự do báo chí cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Tuy vậy, theo đại biểu Trang, dự thảo quy định: Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm là còn chung chung. Trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Đại biểu Trang cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin đầy đủ, giúp báo chí cung cấp thông tin kịp thời tình hình đất nước cho công chúng, không để lại khoảng trống thông tin, dẫn đến những suy diễn, đồn đoán đến từ nguồn thông tin không chính thống.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu tại hội trường.

Tại hội trường, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng, hoạt động báo chí hiện đang bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật và xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh, không có biện pháp, chế tài hữu hiệu, gây bức xúc, băn khoăn trong nhận thức người dân và không ít cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đáng lo ngại là thông tin miêu tả tỉ mỉ hành vi dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan... Trong đó, cử tri là những bậc phụ huynh rất bức xúc về những thông tin trên báo chí về những sinh hoạt đời thường của giới showbiz không thuận lợi cho nhận thức của giới trẻ. Do đó, đại biểu Trần Hồng Thắm đề nghị cần bổ sung quy định  thẩm quyền của các cơ quan quản lý và chế tài cụ thể với các nhà báo không tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và Tổng biên tập cho đăng những tác phẩm báo chí không đúng tôn chỉ mục đích và đi ngược lại truyền thống văn hóa Việt Nam thì phải chịu trách nhiệm ra sao thì mới đủ sức răn đe.

Người chưa có thẻ nhà báo có bị “bỏ quên” trong luật?

Liên quan đến vấn đề thẻ nhà báo, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cho rằng, trước khi trở thành nhà báo, một người phải có ít nhất 3 năm làm phóng viên, tuy nhiên, dự thảo luật dường như lại bỏ quên lực lượng phóng viên này. Do Luật Báo chí hiện hành cũng không đề cập đến chủ thể phóng viên nên thời gian qua nhiều phóng viên bị từ chối cung cấp thông tin, cản trở trong quá trình tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo.

Để khắc phục, nhiều cơ quan báo chí phải cấp giấy giới thiệu tạm thời cho phóng viên đi làm việc, trong khi đó một số cơ quan báo chí tự ý cấp thẻ phóng viên không đúng quy định dẫn đến khó khăn trong quản lý báo chí. “Chủ thể phóng viên cần luật hóa để đảm bảo việc quản lý, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của phóng viên trong quá trình tác nghiệp”, đại biểu Trang đề nghị.

Phát biểu tại hội trường về vấn đề thẻ nhà báo, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung quy định thẻ nhà báo có hiệu lực là 10 năm, sau đó nhà báo có đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới được cấp lại. Điều này nhằm rà soát năng lực, đánh giá lại phẩm chất đạo đức, kể cả sức khỏe nhà báo sau một thời gian hành nghề, chấm dứt việc lợi dụng thẻ nhà báo khi không còn cộng tác với một báo nào nữa để làm việc khác. Về quy định tiêu chuẩn thời gian công tác 3 năm trở lên mới được cấp thẻ, theo đại biểu Phương là không phù hợp và cần có sự điều chỉnh. “Có những nhà báo mới ra trường 1 năm nhưng có bài viết  được giải, trong đó có những nhà báo 5-10 năm rất ít tin bài” - đại biểu Phương cho biết.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu rõ, dự thảo có hẳn 5 điều để quy định về nhà báo. Trong khi đó ở nhiều điều khoản, cụm từ phóng viên, thẻ phóng viên, thẻ nhà báo dẫn đến sự không thống nhất trong toàn bộ dự thảo luật và có những cách hiểu khác nhau. Về bản chất khái niệm nhà báo hay phóng viên là để chỉ nghề nghiệp, trong khi thẻ nhà báo hay thẻ phóng viên chỉ là loại giấy tờ công nhận cho những người được công nhận hành nghề chính thức. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và giải thích đầy đủ để đảm bảo tính thống nhất trong luật. 

Ngày 27/11, Quốc hội tiến hành họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều bộ luật quan trọng; thảo luận, biểu quyết về ngày bầu cử và việc quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia. Đặc biệt, trong kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành phiên chấn vấn “chưa từng có trong tiền lệ” theo tinh thần đổi mới, với sự có mặt của tất cả các thành viên Chính phủ và không giới hạn vấn đề chất vấn.

     Anh Tuấn - Hoàng Dương

 


Ý kiến của bạn