Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 6 chương, 51 điều. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 29/10, vẫn còn khá nhiều ý kiến của các ĐBQH cho rằng dự án Luật vẫn quy định một số vấn đề chung chung, khó khả thi và một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng nhưng chưa được quy định cụ thể trong dự luật.
Tin vào quảng cáo khiến "tiền mất tật mang"
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã nhấn mạnh về điều này khi thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhất trí cao về báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH về dự án Luật này nhưng ĐB Bé nêu rõ, dự án Luật chưa có điều khoản nào quy định riêng về vấn đề quảng cáo. Trên thực tế, việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm hàng hóa hiện đang diễn ra khá phổ biến khiến người tiêu dùng (NTD) tin tưởng vào quảng cáo mà bị tiền mất tật mang. Như vậy ai bảo vệ quyền lợi NTD? Do đó, ĐB Bé đề nghị cần quy định rõ về vấn đề này trong luật. Cùng quan điểm này, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho hay, việc ghi nhãn quảng cáo hiện nay vi phạm nhiều, NTD thường tin vào quảng cáo, trong khi thực tế nhiều sản phẩm quảng cáo quá, thổi phồng về chất lượng. Dẫn chứng từ mặt hàng sữa, ĐB Kim Anh cho rằng khá nhiều doanh nghiệp hiện đang quảng cáo là sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng, sữa hoàn nguyên… tuy nhiên NTD không được biết rõ thực hư thế nào. Theo khảo sát, có 40% sữa tươi tiệt trùng không phải sữa tươi nguyên chất nhưng NTD vẫn phải sử dụng mà không biết do quảng cáo không đúng. Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp gian lận hoặc quảng cáo sai sự thật. Do đó, ĐB Kim Anh kiến nghị, cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh kiểm tra và công bố rộng rãi để người dân biết, đồng thời xử phạt thật nghiêm minh để mang tính răn đe vì đây là mặt hàng có tác động trực tiếp đến sức khỏe NTD, nhất là trẻ em.
NTD - đối tượng yếu thế, cần được bảo vệ nhiều hơn