Hà Nội

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng: Siết chặt quản lý thông tin cá nhân

30-10-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Cho ý kiến về Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng trong phiên làm việc tại hội trường ngày 29/10, nhiều đại biểu đề nghị, trước thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng...

Cho ý kiến về Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng trong phiên làm việc tại hội trường ngày 29/10, nhiều đại biểu đề nghị, trước thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, dự thảo luật cần bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng và bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. 

Xây dựng an toàn thông tin mạng giúp giảm thiểu tiêu cực

Theo chương trình làm việc, sáng 29/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo luật này là vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên mạng. Theo dự thảo, nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng bao gồm: cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai chính sách xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình. Việc bảo vệ thông tin cá nhân thực hiện theo quy định của luật này và quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội hoặc không nhằm mục đích thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng: Siết chặt quản lý thông tin cá nhân

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang phát biểu tại Hội trường.​

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo luật trình Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tuy nhiên, để nội dung luật được hoàn thiện hơn cũng như phù hợp hơn với thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Dẫn chứng thực tế có trường hợp nữ sinh tự tử vì những hình ảnh thông tin riêng tư của mình bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), nếu có biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, để ứng cứu khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phát tán thông tin trên mạng thì chưa chắc câu chuyện đã có kết thúc đau lòng như vậy. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc xây dựng quy định về bảo vệ thông tin riêng trong dự thảo luật này là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay mặc dù đây là vấn đề rất khó về công nghệ và kỹ thuật. Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói: “Vấn đề bảo vệ thanh, thiếu niên trước những tác động xấu, tiêu cực của internet đã được nhiều đại biểu và cử tri hết sức quan tâm. Cá nhân tôi nhận thức việc xây dựng Luật An toàn thông tin mạng sẽ là một trong những cơ hội giúp chúng ta có thể giảm thiểu được những tác động tiêu cực đó lên giới trẻ, góp phần làm giảm thiểu nguyên nhân gây nên hiện tượng phạm tội ở người trẻ, người chưa từng có tiền án, tiền sự ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đến việc bổ sung nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng vào chương 2 của dự thảo luật”.

Các đại biểu bức xúc vì thông tin cá nhân bị phát tán trái phép

Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc vì số điện thoại và danh tính của rất nhiều cá nhân bị thu thập, phát tán trái phép để phục vụ cho mục đích tiếp thị, quảng cáo, cũng như tình trạng rao bán thông tin cá nhân công khai trên mạng. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đánh giá Dự thảo Luật An toàn thông tin mạng lần này đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, như quy định trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người được thu thập... Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, thực thi được những điều khoản này trên thực tế là một thách thức lớn, nếu dự thảo luật không quy định rõ những chế tài và điều kiện xử lý.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang nêu ý kiến: “Một số điều khoản quy định trong dự thảo luật có tính khả thi không cao, khó để các cơ quan quản lý kiểm soát được. Việc tuân thủ các quy định này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của các tổ chức cá nhân. Vì vậy, tôi đề nghị trước mắt các cơ quan nhà nước cần có định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, các doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân. Cần thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân”.

Cũng trong ngày 29/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Đa số thành viên ủy ban nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, phù hợp với quy định của Hiến pháp. Ngày 30/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). 

   Hoàng Dương - Anh Tuấn

 


Ý kiến của bạn