Quốc hội thảo luận Dự án Luật Trợ giúp pháp lý Bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động

11-11-2016 10:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), theo đó, các đại biểu (ĐB) tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, một số ĐB đã đề cập vấn đề bạo lực gia đình đang trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động với con số hơn 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Mỗi năm có 8.000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình

Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), quy định trong dự thảo luật chưa đầy đủ về người được trợ giúp pháp lý, cũng như chưa thống nhất với một số dự án luật khác. ĐB Sang cho rằng, hiện nay bạo lực gia đình đã trở thành vấn nạn xã hội đáng báo động, xét về số lượng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Theo số liệu thống kê năm 2011-2015 có 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó trường hợp nạn nhân là nữ chiếm 74,24%, trẻ em chiếm 11,4%, người cao tuổi chiếm 8,91% và ở nam giới là 3%. Đặc biệt, trong số 492.520 vụ ly hôn đã giải quyết thì nguyên nhân từ bạo lực gia đình chiếm 83,78%. Mỗi năm có hơn 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Mức độ tổn hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra chiếm 1,4% GDP/năm. ĐB Sang cũng chỉ ra, nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật. Thực tế 87% nạn nhân bị bạo hành chưa tìm đến sự trợ giúp pháp lý, trừ các vụ việc nghiêm trọng hay các vụ xử lý hình sự.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mỗi năm cả Trung ương và địa phương chi khoảng 100 tỷ đồng cho trợ giúp pháp lý. Theo Bộ trưởng, Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành ôm đồm phạm vi điều chỉnh. Việc sửa đổi luật lần này để phân định, trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất của nó là cho người nghèo và người không được trợ giúp.

Cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Liên quan đến vấn đề cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý hay thu hẹp đối tượng, theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), dự thảo đã cơ bản bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật thống nhất. Tuy nhiên, theo dự thảo luật thì đối tượng được trợ giúp pháp lý bị thu hẹp hơn so với một số quy định của luật hiện hành, đặc biệt với một số nhóm yếu thế trong Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận dịch vụ pháp lý của người dân.

Điều 7 dự thảo luật có đưa ra một số nhóm trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý, những quy định này đúng nhưng chưa đủ số nhóm trẻ em được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 30, 70 của Luật Trẻ em. Ban soạn thảo cần thiết kế thêm một số điều khoản mới quy định về người được trợ giúp pháp lý theo hướng không giới hạn quyền được trợ giúp pháp lý của trẻ em, không hạn chế về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xuất thân, địa bàn sinh sống. Trong đó, đáng lưu tâm là 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, kể cả việc trợ giúp pháp lý cho cha mẹ, người chăm sóc cho nhóm trẻ em này theo quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận định, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm bảo đảm đưa pháp luật vào cuộc sống đối với mọi tầng lớp dân cư, mọi công dân, dù giàu hay nghèo đều được bình đẳng trước pháp luật và được tiếp cận với dịch vụ pháp lý khác nhau. Tuy nhiên, điều khiến đại biểu băn khoăn là đối tượng được trợ giúp pháp lý có được tiếp cận quyền này hay không. Trong quy định của dự thảo luật dù đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được mở rộng nhưng lại hạn chế đối với đối tượng trẻ em và phụ nữ. Cần xem xét theo hướng mở rộng diện thụ hưởng trợ giúp pháp lý với hai đối tượng nhằm bảo đảm Công ước quốc tế và luật pháp của Việt Nam về quyền trẻ em và Luật Bình đẳng giới.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn