Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết để thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 451/459 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,30%). Với đa số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Cụ thể, Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 và 4, đồng thời giao UBTVQH tổ chức giám sát chuyên đề 2 và 3. Các chuyên đề cụ thể gồm:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Trước khi tiến thành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị không nên giám sát việc thực hiện một số nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia, UBTVQH nhận thấy, việc giám sát tối cao chuyên đề này sẽ giúp ĐBQH đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi.
Đối với chuyên đề 3 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có ý kiến cho rằng, thời gian giám sát đối với chuyên đề 3 quá dài, gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu; do đó, đề nghị điều chỉnh giai đoạn giám sát trong vòng 5 năm trở lại đây, các giai đoạn trước có thể sử dụng kết quả giám sát của UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện ở các khóa trước.
UBTVQH cho biết, Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành giám sát chuyên đề này. Quá trình giám sát sẽ góp phần rà soát, đánh giá tổng thể việc ban hành, triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; UBTVQH sẽ chỉ đạo xác định thời điểm trọng tâm khi xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết.