Kết quả biểu quyết bằng hình thức điện tử cho thấy, có 465 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,13%), Quốc hội chính thức thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Cá nhân kinh doanh BĐS nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp
Trước khi các ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua luật, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng, việc quy định trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản (BĐS) với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhưng phải kê khai nộp thuế là không khả thi do khó xác định được "quy mô nhỏ", dễ phát sinh tiêu cực, trốn thuế.
UBTVQH cho rằng, thực tế, việc xác định mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong khái niệm kinh doanh tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khái niệm kinh doanh BĐS tại dự thảo luật là khó thực hiện.
UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh sửa theo hướng: Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ thì không phải thực hiện các quy định của dự thảo luật nhưng phải kê khai nộp thuế.
Trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng giữa cá nhân với cá nhân thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, hạn chế nguy cơ gian lận, lừa đảo, lừa dối, bổ sung thông tin cho cơ sở dữ liệu về giao dịch BĐS.
Cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, phải kê khai nộp thuế và thực hiện các quy định khác của dự thảo luật. Quy định này không áp dụng với tổ chức để bảo đảm tính chuyên nghiệp và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Các trường hợp tổ chức, cá nhân khác thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý như sau: "Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này; quy định việc xác định kinh doanh BĐS quy mô nhỏ".
Chỉ được thu tiền cọc không quá 5%
Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 5 Điều 23), dự thảo luật được chỉnh lý để bảo đảm thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua, thường là bên yếu thế.
Theo đó, dự thảo luật được chỉnh lý như sau: "Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của luật này. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng".
Về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS, có ý kiến cho rằng, để chuyển nhượng dự án BĐS là phải có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án.
Theo UBTVQH, qua quá trình nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật, để bảo đảm quy định chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận và nguyên tắc chỉ bán, chỉ chuyển nhượng những gì mà người bán, người chuyển nhượng đã có.
Theo đó, UBTVQH giữ như dự thảo, cụ thể, chủ đầu tư chuyển nhượng phải "hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước của dự án, phần dự án chuyển nhượng".
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bảo đảm đồng bộ về chính sách với dự thảo Luật Nhà ở.