Quốc Hội nghe tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

09-11-2018 12:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 09/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật PCTHRB)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc ban hành Luật PCTHRB là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với yêu cầu PCTHRB. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy nhiều quốc gia đã ban hành chính sách, pháp luật về PCTHRB và thực hiện hiệu quả .

Việc xây dựng Luật PCTHRB nhằm đảm bảo ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; Giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra. Thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết (mục tiêu phát triển bền vững số 3.5 là giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030). Khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về PCTHRB hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng. Huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCTHRB để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật có liên quan đến PCTHRB tại Việt Nam và các quy định pháp luật quốc tế có liên quan; khảo sát thực tế tại địa phương đối với công tác PCTHRB, tình hình quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, bia; đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính trong dự án Luật và đã được Quốc hội đồng ý đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 với 05 chính sách cơ bản; tổ chức học tập kinh nghiệm tại một số nước về PCTHRB, mời các chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới và các chuyên gia hàng đầu thế giới về PCTHRB tham gia xây dựng, tư vấn cho dự án luật; lấy ý kiến các cơ quan quản lý tại địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam trong quá trình xây dựng dự án luật.

Bố cục dự thảo Luật gồm 7 chương và 38 điều. Luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là 02 sản phẩm phổ biến nhất có chứa cồn, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam, các tác hại chủ yếu từ 02 loại sản phẩm này, phù hợp với thực tiễn và khả năng quản lý hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện dự thảo Luật còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật. Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận, quyết định: Phương án 1 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2 với tên gọi Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Quốc hội sẽ thảo luận làm rõ vấn đề này vào phiên làm việc sau.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn