Sáng 8/6, Quốc hội nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy lợi và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án luật này. Trước thực trạng thời gian qua một số công trình thủy lợi xả lũ gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân, nhiều đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ quy trình vận hành công trình thủy lợi và trách nhiệm giám sát đối với việc vận hành các công trình này. Các quy định liên quan đến quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ công trình thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi... là những nội dung lớn mà các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.
Cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chủ quản với công trình thủy lợi
Tại phiên họp, quy trình vận hành công trình thủy lợi là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến. Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) đề nghị Luật cần quy định rõ quy trình vận hành công trình thủy lợi, cần công bố công khai, bổ sung nhiệm vụ giám sát công trình vận hành, bởi trong thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Và khi kiểm tra thì lại cho rằng vận hành đúng quy trình, dẫn đến cử tri và nhân dân bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).
Còn đại biểu Mai Thị Kim Dung (Quảng Trị), thực tế trong thời gian qua có những trường hợp các chủ thể khai thác vận hành các công trình thủy lợi biết trước việc vận hành không đảm bảo quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ gây thiệt hại lớn cho đồng bào miền Trung và gần đây nhất ngày 26/5/2017 là vụ thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ bất ngờ làm chết 5 người trong đó có 4 em học sinh. Để đảm bảo các chủ thể khai thác vận hành đúng quy trình cần có sự giám sát vận hành chặt chẽ từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi.
Trước tình trạng vi phạm mất chỉ giới công trình thủy lợi, có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, tổ chức cá nhân khai thác chủ trì, phối hợp với UBND các cấp bảo vệ các công trình thủy lợi. Ngoài ra, cần bổ sung một điều về việc vận hành quản lý công trình thủy lợi phục vụ mục tiêu khác ngoài sản xuất nông nghiệp. Quy định trách nhiệm trong việc vận hành hồ thủy lợi phục vụ thủy lợi.
Thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động phát triển thủy lợi
Cũng tại phiên họp, các ĐBQH cho rằng, đất nước ta xuất phát từ nông nghiệp, trong thời gian gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, vì vậy Luật Thủy lợi ra đời là rất cần thiết. Hiện nay chúng ta có 904 hệ thống thủy lợi lớn, trung bình hơn 700 nghìn hồ các loại, hàng nghìn km đê biển, nhiều công trình cần vốn xây dựng và sửa chữa. Tuy nhiên, dự thảo vẫn xác định vai trò của Nhà nước là chính, chưa làm rõ các hình thức đa dạng hóa đầu tư khác đối với thủy lợi. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị Điều 5 bổ sung một khoản trong chính sách là đa dạng hóa các hình thức đầu tư quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Nội dung trên cũng để tương thích với một số điểm đã quy định về dịch vụ thủy lợi tại Chương 5 - Quy định quyền và trách nhiệm của các tổ chức trong hoạt động thủy lợi (Điều 56 và Điều 57). Từng bước chuyển sang cơ chế giá theo cơ chế thị trường.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đưa ra cơ chế, chính sách đầu tư để toàn xã hội thực hiện nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa trong hoạt động phát triển thủy lợi.
Về đối tượng được hỗ trợ mức chi trả dịch vụ thủy lợi. Đại biểu Đinh Thanh Nhã (Phú Yên) cho rằng: thực hiện chính sách hỗ trợ mức chi trả dịch vụ thủy lợi đối với hộ nghèo là chưa hợp lý mà nên áp dụng theo cơ chế hiện nay là chính sách miễn giảm cho các đối tượng này. Nên rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện hỗ trợ như là giá điện cho các hộ nghèo hiện nay, để tránh phát sinh không công bằng, hoặc dẫn đến trục lợi, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Còn đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cho rằng, công trình thủy lợi là công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và nhiều ngành kinh tế khác, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư phát triển thủy lợi vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Trong chiến lược phát triển thủy lợi phải căn cứ vào các kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm các công trình thủy lợi phải có tính đa dạng, phát huy tối đa hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, chiến lược phát triển thủy lợi quy định theo Luật Thủy lợi 10 năm là quá ngắn, phải quy định dài hơn ít nhất là 20 năm đến 30 năm.