Quốc hội lần đầu thảo luận Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

10-11-2017 07:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 9/11, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đây là lần đầu tiên báo cáo này được đưa ra thảo luận, theo đó đã có nhiều ĐBQH nhận định chính sách bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần có thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới thời gian tới.

Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới

Theo Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày trước Quốc hội cho biết, công tác xây dựng thể chế, chính sách về bình đẳng giới có tiến bộ, hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc thi hành luật. Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện.

ĐB Trương Minh Hoàng: “Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn”.

ĐB Trương Minh Hoàng: “Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn”.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Theo đó, trong bối cảnh xã hội hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái về cơ bản vẫn thiệt thòi và yếu thế hơn so với nam giới. Các hoạt động liên quan đến bình đẳng giới chủ yếu vẫn là phụ nữ tham gia, việc tham gia, ủng hộ của nam giới còn hạn chế, cơ quan thẩm tra đánh giá. Hạn chế tiếp theo là giữa quy định của pháp luật và việc thực hiện còn có khoảng cách. Như, lao động nữ khó khăn hơn trong tiếp cận cơ hội việc làm tốt, lựa chọn ngành nghề và vị trí việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ.

Đáng chú ý, số lượng lao động hưởng chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần và bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Trong số lao động nữ, nhóm lao động trẻ có tuổi đời dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 70%. Một số doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động sau tuổi 35, trong đó, tỷ lệ nữ có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, có đông nữ làm việc. Bên cạnh đó, chênh lệch về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến chênh lệch về hưởng lương hưu của nam và nữ khi hết tuổi lao động.

Nên quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ bằng nhau

Liên quan đến vấn đề quy định tuổi nghỉ hưu, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu vấn đề, trong Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự khác biệt. Chính vì quy định này nên cũng ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến của nữ giới. ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, trước đây pháp luật cho phép lao động nữ được nghỉ hưu sớm, tức là được hưởng thụ sớm hơn. Nhưng mặt trái của nó là không tạo điều kiện cho những người muốn cống hiến được tiếp tục làm việc. “Tôi đề nghị tới đây sửa Bộ luật Lao động quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Tại phiên thảo luận, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) nêu lại cảnh báo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỷ lệ nam/nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỷ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh. Theo dự báo đến giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ lụy như mua cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực...  “Cần phải có hành động ngay từ bây giờ. Đặc biệt là nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi”, ĐB Yến nêu ý kiến.

Ở góc độ bình đẳng giới trong chính trị, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đánh giá, chúng ta khẳng định vai trò của phụ nữ, không ai chối cãi. Chúng ta đặt mục tiêu phải nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong lãnh đạo chủ chốt các cấp. “Nhưng rất tiếc là Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn”, ĐB Hoàng nêu. Đây cũng là vấn đề đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề cập, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm đại biểu Quốc hội và HĐND.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung hứa nghiên cứu để đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chính sách cho phù hợp.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn