Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 vị Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội.

Phó Thủ tướng giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
Là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội mà các ĐB, cử tri cả nước quan tâm. Nêu thực trạng về tình hình tham nhũng diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý được bao nhiêu vụ, tài sản thu hồi về cho Nhà nước được bao nhiêu? Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ nào để đưa ra tại thời điểm này?
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết, trong báo cáo của Chính phủ đã trình bày khẳng định việc chống tham nhũng trong thời gian qua đã làm rất quyết liệt, đạt nhiều thành quả tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, kết quả chưa được như yêu cầu. Về các biện pháp phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nêu lại 8 biện pháp lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra như: Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn công tác phòng chống tham nhũng; tiếp tục xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng; tuyên truyền vận động nhân dân; hợp tác quốc tế; phát huy vai trò cơ quan Mặt trận Tổ quốc trong phát hiện tham nhũng...
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) muốn Phó Thủ tướng làm rõ chủ trương xã hội hóa (XHH) cơ sở hạ tầng giao thông có phải là tư nhân hóa cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhà nước hay không? Phó Thủ tướng đánh giá đây là câu hỏi hay và khẳng định XHH không đồng nghĩa với tư nhân hóa. Với các hình thức BOT, BT, BTO, nhà đầu tư kinh doanh trong khoảng thời gian nhất định, thu phí, hoàn vốn trả lại cho Nhà nước bằng không đồng, thì không gọi là tư nhân hóa. Về câu hỏi XHH có tạo ra độc quyền không? Phó Thủ tướng khẳng định, cùng với chủ trương XHH nhưng không buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước. Cụ thể như quản lý giá thu phí, chất lượng dịch vụ... trên cơ sở có lợi cho cả 3 bên là Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cũng đồng thời giải đáp hàng loạt chất vấn của ĐB về những vấn đề như hội nhập kinh tế quốc tế; nợ đọng văn bản; độc quyền cạnh tranh ngành điện; một bộ phận cán bộ công chức viên chức Nhà nước có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, vô cảm vô tâm, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân...
Chọn đúng và trúng nội dung chất vấn
Trước đó, các Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân... đã đăng đàn giải đáp các câu hỏi của ĐB. Giải đáp câu hỏi của ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) về giải pháp thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: việc triển khai cơ sở vật chất; trang thiết bị; tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý của ngành giáo dục; tổ chức quản lý nhà trường, quản lý ngành là những nội dung quan trọng, cần triển khai thực hiện đồng bộ, không được phép coi nhẹ lĩnh vực nào.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời chất vấn của các ĐB về các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp...
Kết thúc 2,5 ngày của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Các chất vấn chỉ rõ những yếu kém để Chính phủ, bộ, ngành khắc phục. Phần trả lời cũng không né tránh những vấn đề gai góc, phức tạp, nhận trách nhiệm về cá nhân mình và đề xuất giải pháp thực hiện, quyết tâm làm chuyển biến tình hình.
Anh Tuấn - Hoàng Dương
Các đại biểu cần bám sát, theo tận cùng vấn đề chất vấn
Kết thúc phiên chất vấn, đa số các ĐB được hỏi đều khá hài lòng với phần trả lời của các thành viên Chính phủ và mong rằng những vấn đề đã được chất vấn, các ĐB sẽ bám sát, dõi theo việc thực hiện lời hứa của các “Tư lệnh ngành”. Phóng viên SK&ĐS xin lược ghi một số ý kiến của các ĐB.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): Đại biểu phải theo đuổi đến cùng vấn đề chất vấn

Tại kỳ họp này, nhiều vấn đề “nóng” sẽ được đặt lên bàn Quốc hội. Những vấn đề này một ngành không thể giải quyết được hết mà cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành. Điều mà tôi và các ĐB khác rất quan tâm đó là việc hậu chất vấn. Không phải vấn đề gì cũng giải đáp được ngay vì có những vấn đề nằm trong phạm vi liên ngành như tôi phân tích. Bởi vậy, ĐB khi đưa ra vấn đề chất vấn cũng phải hết sức quan tâm theo đuổi đến cùng thì mới đạt kết quả.
ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM): Không nên “ôm đồm” chất vấn nhiều vấn đề
Những câu hỏi chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp lần này đều phản ánh thực tiễn cuộc sống, những vấn đề mà cử tri và người dân cả nước quan tâm. Về phần trả lời của các Bộ trưởng, tôi cho rằng phần lớn đều đi thẳng vào vấn đề, không vòng vèo. Tôi cũng rất ghi nhận khi qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội gom được những vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm. Đó là những điểm nổi bật ở đợt chất vấn này. Tuy nhiên, tôi cho rằng phương thức chất vấn cần phải đổi mới, làm sao không quá ôm đồm nhiều vấn đề, khi chọn xong vấn đề, phần trao đổi chúng ta có đối thoại để làm rõ hơn bản chất vấn đề và bàn thêm giải pháp tháo gỡ. Như vậy sẽ làm cử tri thỏa mãn hơn.
AT