An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề quan trọng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Bên hành lang Quốc hội, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): “Cần có một đơn vị độc lập giúp Chính phủ xử lý các vấn đề về thực phẩm bẩn”
Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011 đã thu gọn 3 Bộ chịu trách nhiệm quản lý ATTP là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo từng nhóm sản phẩm, tuy nhiên hiện nay rất nhiều sản phẩm không nằm trong các nhóm quy định hoặc “giao thoa” giữa các nhóm, chính vì vậy rất nhiều văn bản dưới luật của 3 Bộ trên mâu thuẫn với nhau, không sát với thực tế. Theo tôi cần có một đơn vị hoạt động độc lập để trực tiếp giúp Chính phủ theo dõi, xử lý các vấn đề về vệ sinh ATTP. Tổ chức này có chức năng quản lý xuyên suốt “chuỗi thực phẩm” thì mới có đủ năng lực pháp lý, tổ chức và thực thi nhiệm vụ quản lý ATTP. Ngoài ra, còn có các thành phần của các bộ ngành tham gia và các nhà khoa học chuyên sâu.
Trong bối cảnh của nước ta, thời gian tới vấn đề ATTP còn liên quan chặt chẽ tới vấn đề môi trường, nguồn nước. Điều này càng củng cố cho đề xuất của tôi trên đây là cần có một cơ quan quản lý độc lập, thống nhất, không chỉ 3 Bộ đã được giao quản lý mà các lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ... ngày càng trở nên quan trọng. Mô hình này hoàn toàn có thể học tập từ các nước phát triển như Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay TGA (Therapeutic Goods Administration) của Úc.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Phó Tổng thư ký Quốc hội (Lai Châu): “Đảm bảo ATTP là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài”
Việc đảm bảo ATTP là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Do vậy, tôi thống nhất cao với chủ trương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho công tác này, cũng như việc cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính từ ATTP để phục vụ quản lý nhà nước và ATTP của địa phương. Tuy nhiên, mức trích cho khen thưởng ở mức 20-30% như trong dự thảo nghị quyết tôi cho rằng là thấp vì số tiền xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh ATTP không lớn như trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tôi đề nghị dành tỷ lệ cao hơn, có thể từ 50-70% nguồn này để khen thưởng, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm ATTP.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): “Cần có đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời phản ánh của nhân dân”
Tình trạng vi phạm ATTP đã gây ra những tác hại, hậu quả to lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh việc đầu tư tăng cường lực lượng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, tôi đề nghị cần bổ sung nội dung về việc quan tâm, tạo điều kiện để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về ATTP. Việc bảo đảm ATTP sẽ phụ thuộc rất nhiều vào người dân vì gắn liền với từng bữa ăn hàng ngày của họ. Hiện nay nếu người tiêu dùng nào phát hiện, có vấn đề bất an trong thực phẩm tại một cơ sở, một cửa hàng nào đó, thì họ cũng không biết phải báo ở đâu, thậm chí có biết thì thủ tục cũng rất rườm rà. Vì vậy, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm ATTP. Có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội): “Nâng mức xử phạt và truy tố hình sự đối với đối tượng kinh doanh rượu gây hậu quả nghiêm trọng”
Rượu kém chất lượng luôn là mối quan tâm lo ngại của nhiều người tiêu dùng, khi thời gian vừa qua đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong, hôn mê sâu do rượu. Tính riêng tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trong hơn 3 tháng qua đã ghi nhận 34 trường hợp ngộ độc rượu methanol.
Thực tế, theo thống kê của Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát, 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế, hậu quả Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn. Nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không kiểm soát được về mặt chất lượng. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc, chấn chỉnh lại việc quản lý, siết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh rượu. Tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, đề nghị với Quốc hội sửa Luật ATTP, nâng mức xử phạt và truy tố hình sự đối với đối tượng kinh doanh rượu gây hậu quả nghiêm trọng.