Quốc hội đồng ý đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 1,7 triệu tỷ đồng

30-11-2024 15:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết đầu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.

Chiều 30/11, Quốc hội thực hiện quy trình để thông qua dự thảo Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Kết quả biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử cho thấy, với đại đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết này.

Quốc hội đồng ý đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 1,7 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Công nghệ áp dụng cho dự án đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1,7 triệu tỷ đồng, nguồn vốn NSNN bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Về tiến độ thực hiện, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2035.

Quốc hội đồng ý đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 1,7 triệu tỷ đồng- Ảnh 2.

Các ĐBQH bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655 ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha, sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Tại báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự án này, UBTVQH nêu: Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Việc đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông.

Quốc hội đồng ý đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 1,7 triệu tỷ đồng- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tính toán kỹ lưỡng tất cả các yếu tố và rủi ro để có giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, UBTVQH thống nhất với đa số ý kiến ĐBQH về sự cần thiết đầu tư Dự án.

Cơ quan thẩm tra khẳng định, thực tế Dự án đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư trong thời gian khá dài (khoảng 18 năm) và tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trong đó đã phân tích, tính toán với kết quả dự báo nhu cầu vận tải, tiềm lực, vị thế Việt Nam hiện nay là điều kiện thích hợp để triển khai đầu tư Dự án.

Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai Dự án. Tuy nhiên, các tính toán tại bước nghiên cứu tiền khả thi mới chỉ mang tính sơ bộ, do đó đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tính toán cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố, rủi ro để có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi cho dự án…

Vì sao Chính phủ muốn đường sắt tốc độ cao chạy qua Nam Định, không kéo dài tới mũi Cà Mau?Vì sao Chính phủ muốn đường sắt tốc độ cao chạy qua Nam Định, không kéo dài tới mũi Cà Mau?

SKĐS - Chính phủ vừa có báo cáo giải trình ý kiến ĐBQH về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tại Báo cáo, Bộ GTVT nêu các lý do tuyến đường sắt tốc độ cao chạy qua Nam Định và không kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn