Hà Nội

Quốc hội đã thông qua 7 luật, "nóng" vấn đề rượu bia và tai nạn giao thông

15-06-2019 06:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa được Quốc hội thông qua đã được đặt ra trong buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV diễn ra chiều nay 14/6. Cuộc họp báo do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ban đầu, khi Quốc hội xin ý kiến về 2 phương án trong dự thảo luận, các đại biểu Quốc hội có thể chưa rõ nên biểu quyết chưa chính xác. Sau khi họp tổ giải thích rõ hơn việc lấy ý kiến này, với mục đích là tăng nặng hơn chế tài với những người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, các đại biểu đã đồng tình cao.

Vào phiên họp buổi sáng 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với 408 trong tổng số 450 đại biểu có mặt tại hội trường tán thành (đạt tỷ lệ 84,3%). Trong đó, quy định tại Khoản 6, Điều 5 cấm "Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, đã được Quốc hội biểu quyết riêng với tỷ lệ 77,2% số đại biểu có mặt tán thành.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, cho biết: Luật này liên quan đến nhiều Luật khác như Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hàng không...

"Bản thân tôi mong muốn có quy định đã uống rượu, bia là không lái xe. Qua quá trình tiếp thu, lấy ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mong muốn dự Luật này thể hiện quyết tâm như vậy. Tôi thấy quyết tâm chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra chính là nhờ tác động của báo chí"- ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.

Liên quan đến chế tài xử phạt sau khi Luật này có hiệu lực, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Trong Nghị quyết cuối kỳ họp đã nêu rất rõ "giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó nâng chế tài xử phạt nghiêm việc sử dụng ma túy, rượu bia, chất kích thích khác khi tham gia giao thông”. Chắc chắn Chính phủ sẽ sửa đổi quy định theo hướng tăng hình phạt. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của cả Quốc hội và Chính phủ.

 

Tóm tắt kết quả kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ (từ ngày 20/5 đến ngày 14/6/2019), Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp. Theo đó, đã xem xét, thông qua 07 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 09 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 04 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; phê chuẩn nhân sự.

Về công tác lập pháp, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức bộ máy, quản lý công vụ, công chức, quan hệ lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tăng cường nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế…

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến gồm dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Thư viện. Quốc hội giao Chính phủ tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau.

Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khoá XIV.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội đã xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019, ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện linh hoạt, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời yêu cầu Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân kết quả đạt được, những yếu tố tích cực có tính đột biến và dài hạn để phục vụ công tác điều hành năm 2019.

Trong thời gian 2,5 ngày, đại biểu Quốc hội đã chất vấn các Phó Thủ tướng Chính phủ Chính phủ, Bộ trưởng 04 Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia trả lời chất vấn. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.Thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại rượu, bia với tỷ lệ 84,30% đại biểu tán thành.

Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế xin cảm ơn Quốc hội, Chính Phủ, các chuyên gia và cử tri đã ủng hộ để Luật Phòng chống tác hại rượu, bia được phê duyệt và đi vào thực tiễn.

Đặc biệt, tại Khoản 6, Điều 5 đã thống nhất nội dung trước đây còn nhiều ý khác nhau, đó là: Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 01 Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét, chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn tại kỳ họp.

Ngoài ra, Quốc hội Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục hạn chế, xử lý nghiêm các vi phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, tăng cường quản lý nợ công, vốn đầu tư và bội chi ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.

Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông  Dương Văn Thăng, Thiếu tướng, Quyền Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc cho thôi chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông. Đồng thời quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội cùng Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; việc sửa đổi, bổ sung các luật như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ… nhằm hoàn thiện các chế tài cho quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; việc sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động; vấn đề vận động hành lang trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật; bảo đảm công khai trong hoạt động giám sát của Quốc hội và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động của Quốc hội.


D.Hải
Ý kiến của bạn