Trong hai ngày 17 - 18/11, Quốc hội đã thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, đã có 3 Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đăng đàn trả lời những chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội.
Tái cơ cấu ngành GTVT để có giá cước hợp lý
Chiều ngày 18/11, các ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt ra câu hỏi: Đâu là giải pháp đồng bộ để giá vận tải nói chung, giá hàng không nói riêng có thể hợp lý, cạnh tranh, nhất là khi chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, để có giá cước vận tải hợp lý, Bộ đang chỉ đạo tái cơ cấu ngành GTVT, trong đó có tái cơ cấu cước vận tải, hiện đang tái cơ cấu từng lĩnh vực với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí, trên cơ sở đó đảm bảo điều kiện để điều chỉnh giá cước cũng như phát huy lợi thế của Việt Nam về đường biển, đường thủy để giảm tải cho đường bộ. Đồng thời, yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng phục vụ và thái độ, đào tạo lại con người trong từng lĩnh vực, góp phần giảm cước vận tải. Qua quá trình thực hiện đang triển khai, hiện tỷ trọng vận tải đường bộ đã bắt đầu giảm, đường thủy đang tăng, đường sắt cũng đã tăng được thị phần dù cũng đang trong quá trình tái cơ cấu, cước đường sắt không tăng, dịp Tết này dự kiến giảm giá vé 11 - 17% mặc dù giá xăng dầu còn cao. Thực tế từ 2011 đến nay, giá dầu tăng, song giá vận tải hàng không không tăng, cước vận tải hàng không nội địa nói chung so với Thái Lan thấp hơn.
Về câu hỏi chuyển giao quyền khai thác công trình cho các đơn vị khác, nếu đối tác nước ngoài trúng thầu, thời gian khai thác dài, thu phí cao của ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đang thực hiện bước đột phá hạ tầng giao thông, trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế khi nguồn lực đầu tư cho ngành giao thông hạn chế. Bộ đã huy động nhiều doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước, 3 năm qua đã huy động được gần 160.000 tỷ, bằng 60% tổng vốn đầu tư cả ngân sách lẫn ODA cho ngành giao thông. Để tiếp tục tạo bước đột phá nữa, Bộ GTVT đang nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác các tuyến đường giao thông đầu tư bằng nguồn vốn BOT cho các đơn vị khác khai thác quản lý, để lấy tiền tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Vấn đề đặt ra là khi chuyển giao quyền khai thác thu phí này thì tác động thế nào. Hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài được chuyển giao sẽ vẫn phải áp dụng mức phí theo khung giá Bộ Tài chính quy định, không thể thu phí cao được.
Bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình được yêu cầu làm rõ vấn đề cải cách hành chính, chất lượng nền công vụ, giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương... Trước thực trạng “lạm phát” cấp phó kéo dài, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải trình nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, quy định cấp phó trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được ghi rõ trong Nghị định 187, nay được thay bằng Nghị định 36. Quy định này không phải cứng mà cơ động. Bộ muốn tăng thêm phải có đề án báo cáo cơ quan có thẩm quyền, thông qua nhiều kênh trong đó có Ban Cán sự đảng của Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, rồi Bộ Chính trị quyết định. Trước tình trạng này, Bộ Nội vụ đề xuất có quy định cứng, tức là cơ quan nào quy định có mấy cấp phó cần nêu rõ. “Chúng tôi đưa đề án này ra thảo luận, bỏ phiếu nhưng không được thông qua vì số ủng hộ không vượt quá bán. Bộ Nội vụ đề xuất ít thứ trưởng, cấp phó nhưng các bộ lại đề nghị nhiều” - ông Bình nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận “bổ nhiệm nhiều cấp phó gây lãng phí ngân sách và không được đồng thuận của xã hội”. Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót cũng chỉ có kiến nghị, đề nghị, nếu không được thực hiện thì báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, nếu quy định của pháp luật chưa cứng thì Bộ sẽ tham mưu với các cấp để có quy định cứng, thực hiện cho dễ. Nếu đã quy định cứng thì yêu cầu phải thực hiện nghiêm. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận thực trạng việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức hiện chưa đúng với năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, chế độ tiền lương chậm được cải thiện, đầu vào chưa thực sự tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Tình hình nhập lậu qua biên giới là vấn đề nhức nhối
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, liên quan đến tình trạng nhập lậu qua biên giới, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Một số ngành trong nước đã sản xuất được như thuốc lá, đường, nông sản... nhưng tình hình nhập lậu qua biên giới không nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng thấy thế nào? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, tình hình nhập lậu qua biên giới trong thời gian qua là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm dù lực lượng quản lý thị trường đã làm hết sức. Bộ trưởng “nhận trách nhiệm về hạn chế liên quan đến lực lượng quản lý thị trường, còn các lực lượng khác như hải quan, biên phòng, dù có phối hợp, nhưng hiệu quả chưa cao, dù địa phương có nhiều cố gắng”. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết có nhiều điểm, nhưng theo Bộ trưởng, giao thương tăng nên một số phần tử làm ăn không chính đáng, lợi dụng sự mở cửa để đưa hàng kém phẩm chất vào thị trường nội địa. Cùng đó, do công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường, về phương tiện, vừa yếu vừa thiếu nên hiệu quả không cao. Cũng không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, chưa hết trách nhiệm, thậm chí bao che các hành vi sai phạm, dẫn đến hiệu quả không cao. Và sự phối hợp giữa các địa phương, dù đã nỗ lực chặt chẽ, nhưng cũng có nơi chưa đều, nên sự vào cuộc chia sẻ giữa các địa phương chưa được hiệu quả như ý - Bộ trưởng Hoàng cho biết.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về tình trạng mô hình chợ - trung tâm thương mại xây dựng tràn lan thời gian qua và gần như thất bại, không đạt được hiệu quả như mong muốn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, mô hình chợ truyền thống, nhỏ lẻ, có thể phục vụ số đông người dân, nhưng không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, nên các địa phương đều muốn xây dựng mô hình nói trên. “Cá nhân tôi cho rằng, lựa chọn vị trí xây dựng trung tâm chưa thật sự phù hợp, chưa tính đến tập quán mua bán của người dân là sự tiện dụng, giá bán có thể cao hơn ở chợ truyền thống là những nguyên nhân đưa đến sự thất bại ở một số nơi trong thời gian qua” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn nói. Ông cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã ban hành các quy hoạch thương mại, hạ tầng thương mại ở từng địa phương, nhưng sẽ lưu ý đến vấn đề này với từng địa phương để không gây xáo trộn đời sống người dân trong thời gian tới.
Trong ngày 19/11, các ĐB Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các ĐB Quốc hội.
Bài, ảnh: Anh Tuấn