Hà Nội

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ

06-11-2020 13:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là các thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến năm 2025 là chủ trương lớn, Bộ trưởng cho biết kết quả và những giải pháp?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Tháng 4/2019 Thủ tướng ký Quy hoạch báo chí. Tháng 6/2019 Bộ TT&TT có kế hoạch triển khai. Tháng 8/2019, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với từng cơ quan báo chí. Đến thời điểm này, có 33/33 tổ chức hội ở Trung ương phải quy hoạch thì đã làm xong; có 13 bộ ngành triển khai quy hoạch đến nay còn 2 cơ quan đã có phương án; có 31 địa phương thực hiện quy hoạch thì còn 1 địa phương đang hoàn thiện. Đến hết năm nay Quy hoạch báo chí sẽ thực hiện xong, sau đó chúng ta sẽ thực hiện tiếp công tác phát triển báo chí, xây dựng các đơn vị báo chí chủ lực, hỗ trợ đặt hàng báo chí…

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TT&TT về khả năng hoàn thành mục tiêu tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 30% vào năm 2020; sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số; giải pháp, cách làm mới, nguốn nhân lực để triển khai Chính phủ điện tử?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Để đạt mục tiêu cung cấp 30%dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ TT&TT đã tìm cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng cơ bản đưa tất cả các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 lên cùng lúc. Với cách làm này đã có 2 bộ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ TT&TT. Vừa qua chúng tôi thí điểm tại tỉnh Bến Tre, sau 3 tháng thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 4 từ 6% đã đạt 100%. Sắp tới Bộ TT&TT sẽ triển khai trên diện rộng.

Khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối, Bộ TT&TT đã xây dựng trục kết nối chung mà các tỉnh chưa phải đầu tư, Bộ TT&TT cũng hỗ trợ kết nối thanh toán dịch vụ công trực tuyến với các ngân hàng cho các địa phương. Các DN công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực. Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin rằng đến hết năm 2020 tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt hơn 30% và đến năm 2021 chúng ta có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Nói về sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết Chính phủ điện tử là tin học hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến, còn Chính phủ số hoạt động trên môi trường số, sử dụng dữ liệu ra quyết định, cung cấp thêm dịch vụ mới theo nhu cầu người dân. Trong năm nay Bộ TT&TT sẽ ký chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.

Về nhân lực cho Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng phải có sự thay đổi đối với nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin từ làm trực tiếp sang đặt hàng và giám sát DNthực hiện. Bộ TT&TT cũng đang triển khai chương trình 100 chuyên gia chính phủ điện, hình thành mạng lưới chuyên gia, diễn đàn về chính phủ điện tử. Đối với người dùng thì xây dựng công cụ phần mềm, công khai, dễ dùng như mạng xã hội để không phải đào tạo lại.

Liên quan đến vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời: Yêu cầu phát triển nhà ở xã hội rất lớn, theo tính toán đến năm 2020 cần 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chương trình riêng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, miễn giảm tiền sử dụng đất, một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội.

Với địa phương có chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội. Với sự cố gắng rất cao của các địa phương, đã xây dựng 5, 2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp và 2,3 triệu m2 cho công nhân. Kết quả đạt được rất cố gắng nhưng còn thấp so với yêu cầu, mới giải quyết 41,5% yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn

Hạn chế, tồn tại vướng mắc lớn nhất là thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, do cơ chế chính sách chưa đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, thủ tục, chính sách còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn hỗ trợ người mua nhà ở theo quy định của pháp luật, theo quy định cần dành 9 nghìn tỷ nhưng nay mới được 4 nghìn tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất, chưa  quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội và chưa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.

Giải pháp thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng có nhiều chỉ đạo và nhiều giải pháp đang thực hiện. Trước hết, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và diện tích tối thiểu căn hộ 45m2, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho người dân vay vốn. Các địa phương quan tâm đầu tư bố trí quỹ đất, hạ tầng…

Chúng tôi thấy cần xử lý thêm một số giải pháp căn cơ: Rà soát, bổ sung các quy hoạch, tạo điều kiện cấp phép các dự án; bố trí đủ quỹ đất, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng chưa bố trí đủ, tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án; tới đây sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 tạo cơ chế đột phá hơn cho doanh nghiệp, người dân mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2. Hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về nguyên nhân đến nay luật giáo dục nghề nghiệp thi hành 5 năm, Bộ trưởng đã hứa tháng 9/2020 sẽ ban hành hướng dẫn về khối lượng văn hóa dạy trong các trường nghề?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời: Khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, trường nghề là vấn đề hết sức phức tạp, Bộ đã chỉ đạo các ban soạn thảo tính toán phù hợp. Theo Luật Giáo dục năm 2019 thì các trường nghề được dạy văn hóa, chúng tôi đã thảo luận với Bộ LĐTBXH về vấn đề này, đã xong dự thảo thông tư, cuối năm nay dự kiến ban hành, nhưng cần tránh chồng chéo. Thứ hai, chúng tôi đã có công văn trả lời Bộ LĐTBXH, theo đó các trường nghề tiếp tục dạy nội dung hiện hành cho tới khi có văn bản mới. Chúng tôi cố gắng ban hành thông tư khả thi, thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về giải pháp giảm tải cho giáo viên?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi rất ý thức vấn đề giảm tải cho giáo viên bằng những quy định, chỉ đạo rất thiết thực, trước hết giảm số hồ sơ, sổ sách giáo viên phải quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát tinh giản chương trình hiện hành; xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn trực tuyến. Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai nghiên cứu, rà soát tính toán lại định mức cho giáo viên.

 

 

 


Tuấn Dương
Ý kiến của bạn