Quốc ca Việt Nam sợ bị "đánh" bản quyền
Đội tuyển Việt Nam tối 6/12 đã có trận ra quân ở giải AFF Cup 2020 trên đất Singapore và giành chiến thắng với tỉ số 2 – 0 trước đội tuyển Lào. Tuy nhiên, sự việc gây chú ý không phải màn trình diễn của hai đội trên sân cỏ, mà là người hâm mộ xem trận đấu này trực tiếp trên kênh Youtube không được nghe quốc ca của Việt Nam và Lào trong nghi thức đầu trận.
Có khoảng 1 triệu người xem cùng lúc trận Việt Nam – Lào trên kênh Youtube của Next Sports - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020. Nhưng ở màn cử hành quốc ca của hai đội, trên sóng trực tiếp Youtube, Next Sports tắt tiếng quốc ca hai nước khiến khán giả ngỡ ngàng.
Đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng trên Youtube trận đấu đã gắn dòng chữ thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". Cùng thời điểm, nếu khán giả theo dõi trận đấu này trên kênh VTV6 thì vẫn nghe rõ bài quốc ca của Việt Nam - Tiến quân ca và quốc ca Lào vang lên hào sảng.
Đây là lần đầu tiên một trận đấu bóng đá có đội tuyển Việt Nam thi đấu nhưng khán giả không được nghe quốc ca của đất nước mình. Next Sports lý giải phải cắt tiếng phần quốc ca vì sợ bản ghi âm quốc ca Việt Nam và Lào trên Youtube dễ bị vi phạm bản quyền. Tháng trước, một đơn vị tiếp sóng trực tiếp trận Việt Nam gặp Saudi Arabia ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á trên nền tảng số, đã bị gián đoạn, sau đó "đứt sóng" bởi bị báo cáo vi phạm bản quyền bản ghi âm quốc ca Việt Nam lúc đầu trận.
Thời gian gần đây, công ty BH Media tuyên bố sở hữu bản quyền bản ghi âm Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao trên Youtube, làm dư luận xôn xao. Đại diện BH Media cho biết, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc. Bộ VH-TT&DL được giao nhiệm vụ là cơ quan quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này.
Điều đó đồng nghĩa, kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm cũng sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Nhưng nếu một cá nhân, tổ chức bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca thì theo Luật Sở hữu Trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan).
BH Media sau đó từng báo cáo để xóa các video có bản nhạc Tiến quân ca của một số kênh khác trên Youtube theo cơ chế "Content ID" của Youtube. Theo đó, "Content ID" là công cụ để chủ sở hữu bảo vệ bản quyền sản phẩm của mình từ Youtube, hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên nền tảng này có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ và sẽ cảnh báo vi phạm tới cá nhân, tổ chức đã đăng, phát bản ghi âm, ghi hình do họ nắm bản quyền.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó GĐ Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội):
Bản quyền nhạc số lâu nay vẫn là lĩnh vực có nhiều tranh chấp và vi phạm. Ngoài lý do, ý thức về bản quyền của xã hội chưa tốt, còn do lĩnh vực bản quyền nhạc số quá mới, ngay cả người làm nhạc cũng chưa nắm rõ quy định của các nền tảng số. Về pháp luật, việc đăng ký bản quyền Youtube được khẳng định là việc chủ sở hữu đăng ký quyền tác giả đối với nội dung được đăng lên kênh Youtube của mình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc dựa theo chính sách của Youtube.
Tại Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về quyền tác giả, quyền liên quan và luật bản quyền trên Youtube. Vì vậy, khi sử dụng Youtube, người dùng cần hết sức lưu ý tìm hiểu về vấn đề bản quyền âm nhạc để tránh bị "đánh" bản quyền hay gặp những sự cố đáng tiếc.
Ai sở hữu bản Quốc ca Việt Nam- Tiến quân ca?
Một tháng trước khi BH Media lên tiếng sở hữu bản quyền bản ghi âm quốc ca Việt Nam trên Youtube, dư luận đã rất bức xúc và nhiều tranh cãi đã nảy ra. Thực tế, tác phẩm Tiến quân ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao "hiến tặng cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam" vào năm 2016 tại Nhà Quốc hội. Tiến quân ca kể từ đó chính thức trở thành tài sản Quốc gia, là tác phẩm của tất cả người dân Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, bà Hà Anh - con dâu cố họa sĩ Văn Cao đại diện gia đình đã nhấn mạnh với truyền thông trong nước: "Hoàn toàn không đồng ý với bất kỳ hành vi sở hữu độc quyền ca khúc này vì mục đích thương mại trên nền tảng số đối với bất kỳ cá nhân hoặc tập thể nào. Tất cả những hành vi đó đều sai trái và vi phạm pháp luật".
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường khi hay tin trận Việt Nam – Lào bị ngắt tiếng quốc ca hai nước lúc phát trực tiếp trên Youtube, cũng tỏ ra rất bức xúc. Ngoài các giá trị về âm nhạc, sự thiêng liêng thì việc cắt âm thanh phần cử hành quốc ca sẽ có tác động rất lớn đến tinh thần, lòng tự tôn dân tộc của khán giả, nhất là giới trẻ.
Theo luật sư bản quyền Tám Trần (Công ty IPCom): "Một tác phẩm đã được hiến tặng cho nhà nước thì nhà nước là chủ sở hữu. Đối với Tiến quân ca, tại thời điểm hiện tại bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn tạo bản ghi âm, ghi hình mới cho tác phẩm này về nguyên tắc phải xin phép Nhà nước Việt Nam, có thể không phải trả phí sử dụng do có những quy định riêng về tác phẩm này theo quy định cụ thể của Bộ VH-TT&DL".
"Hôm nay, mọi người xem bóng đá trên Youtube rất bức xúc khi quốc ca của Việt Nam bị tắt tiếng vì dính "gậy" bản quyền. Đây là một câu chuyện khá phức tạp vì vấn đề bản quyền ở Việt Nam đang còn rất rối.
Báo chí đã vào cuộc và tôi mong rằng tất cả các bên nên thiện chí ngồi lại với nhau, không phải để thương thuyết, mà là để cùng gỡ rối, nhằm tạo ra một môi trường nhạc số lành mạnh, hợp pháp, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho người sáng tác, người biểu diễn, nhà sản xuất âm nhạc, nhà kinh doanh và đặc biệt là khán giả", nhà báo Ngô Bá Lục nêu quan điểm.