Hà Nội

Quít – trần bì

08-03-2019 06:02 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Người ta thường lấy vỏ quít (trần bì) phơi khô hoặc treo trên giàn bếp để làm thuốc. Xin bác sĩ cho biết trần bì chữa được bệnh gì, cách dùng?

(Phan Văn Lũy - Nghệ An)

Còn gọi là quyết, trần bì, thanh bì, mandarinier (Pháp).

Tên khoa học Citrus deliciosa Tenore, Citrus nobillis var. deliciosa Swigle.

Thuộc học Cam quít Rutaceae.

Cây quít cho ta các vị thuốc sau đây:

1. Trần bì (Pericarpium Citri deliciosa) là vỏ quít phơi càng để lâu càng coi là quý và tốt.

Trong nhân dân thường lưu truyền câu để chỉ rõ tầm quan trọng này:

Nam bất ngoại trần bì,

Nữ bất ly hương phụ

Có nghĩa là chữa bệnh cho nam giới không thể thiếu vị trần bì, chữa bệnh cho nữ giới không thể không dùng vị hương phụ.

2. Quất hạch (Semen Citri deliciosa) là hạt quít phơi khô.

3. Thanh bì (Pericarpium Citri immaturi) vỏ quả quít còn xanh.

Mô tả cây

Quít là một cây nhỏ, lá mọc so le, đơn, mép có răng cưa, vỏ có mùi thơm đặc biệt.Hoa nhỏ, màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá.Quả hình cầu hai đầu dẹt, màu vàng cam hay vàng đỏ, vỏ mỏng nhẵn hay hơi sần sùi, dễ bóc.Mùi thơm ngon, nhiều hạt.

Phân bố, thu hái và chế biến

Được trồng ở khắp nơi trong nước ta. Nhiều nhất tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Định, Hà Nam, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tại Trung Quốc, ngoài cùng loài quít của ta, người ta còn trồng một số loài quít khác và cũng cho vị trần bì và quất hạch như cây đại hồng cam (Citrus chachiensis hay Citrus nobilis var. chachiana Wong), cây phúc quyết (Citrus tangeriana Hort et Tanaka hay Citrus reticulata var. deliciosa H. H. Hu) và cây châu quyết (Citrus erythrosa Tanaka hay Citrus reticulata Blanco var. erythrosa H. H. Hu). Ở Việt Nam, ngoài cây quít ngọt, ta còn dùng vỏ nhiều loại cây quít khác chưa ai xác định tên khoa học, như quít giấy, quít tàu, quít nuốm…

Công dụng và liều dùng

Ngoài công dụng của quả quít trong thực phẩm, vỏ và lá quít để chế tinh dầu, quít còn là một vị thuốc rất quan trọng và rất thông dụng trong Đông y và trong nhân dân.

Theo tài liệu cổ: Trần bì vị cay, đắng, tính ôn vào hai kinh tỳ và phế, hạt vị đắng tình bình, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đờm.Tác dụng của lá cũng như hạt.

Trần bì là một vị thuốc chữa ăn uống không tiêu, ăn không ngon, nôn mửa, sốt rét, trừ đờm.

Liều dùng hàng ngày: 4 - 12g hay hơn.

Quất hạch chữa sa đì (thiên trụy, hòn dái sưng đau) ngày dùng 6 - 12g hay 16g.

Nước quít uống trong khi say rượu, giải khát, thêm vitamin bồi bổ.

Lá quít hơ nóng đắp chữa đau bụng, ho, sưng vú. Có khi phơi khô sắc uống như vỏ quít.Ngày dùng 6 - 12g.

Đơn thuốc có trần bì và hạt quít

Thuốc giúp sự tiêu hóa:

Trần bì 0,5g; hoàng bá 0,3g; hoàng liên 0,3g; đảng sâm 0,3g; cam thảo 0,3g.Tất cả tán bột, trộn đều.Chia ba lần uống trong ngày.

Chữa ho mất tiếng:

Trần bì 12g, sắc với 200ml nước, còn 10ml cho thêm đường vào cho đủ ngọt, nhấp uống dần trong ngày.

Chú thích:

Trong Đông y còn dùng vị thanh bì có khi là vỏ quả chưa chín của nhiều cây chi Citruis thuộc họ Cam quít - Pericarpium Citri immaturi, có khi lại dùng quả non, tự nhiên rụng phơi khô-Fructus Citri immaturi cũng gọi là thanh bì. Trong thanh bì có lại còn chia như sau:

Quả con phơi khô: Gọi là thanh qua tử hay cá thanh bì. Quả trung bình bóc lấy vỏ phơi khô gọi là thanh bì. Quả to tự nhiên rụng, còn xanh đem đồ cho chín hoặc nhúng nước sôi, rồi dùng dao cắt làm 4 mảnh, nhưng không cắt rời nhau, các mảnh còn dính với nhau ở đầu, loại bỏ ruột đi, phơi khô gọi là tứ hoa thanh bì.

Công dụng cũng như trần bì, liều lượng cũng chừng 6 - 12g một ngày sắc hay tán bột uống.


GS. ĐỖ TẤT LỢI
Ý kiến của bạn