Cục Y tế dự phòng khẳng định, vắc xin Quinvaxem đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vắc xin chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong của Quinvaxem so với vắc xin chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm. Các bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ cảm nhiễm bệnh.
Trên toàn thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm.
Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6/2010. Vắc xin được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 3 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vắc xin được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước.
Bảng so sánh sự khác nhau giữa vắc xin QUINVAXEM và vắc xin PENTAXIM
Các kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc xin viêm gan B vào lúc sinh.
Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,... nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vắc xin chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong của Quinvaxem so với vắc xin chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.
Vắc xin Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Do đó, thay vì bị động chờ đợi vắc xin dịch vụ, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại gần 12.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.
Liên quan đến vấn đề vắc-xin đang được dư luận quan tâm, đại diện các cơ quản lý của Bộ Y tế cho biết: Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược: Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất, công ty đăng ký để tăng cường nhập khẩu vắc-xin. Để có nguồn vắc-xin dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đi Nhật, Pháp, Bỉ tìm nguồn vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên phía Nhật Bản từ chối và cho biết họ sản xuất chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, có hai hãng sản xuất vắc-xin này là GSK và Sanofi Pasteur thì hãng GSK dự kiến năm 2017 mới cung cấp vắc-xin trở lại cho Việt Nam. Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất, công ty đăng ký để tăng cường nhập khẩu vắc-xin về phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các gia đình không nên để việc thiếu tạm thời các vắc-xin này ảnh hưởng đến lịch tiêm chủng của trẻ. Cục Quản lý Dược đã công khai minh bạch số lượng vắc-xin nhập khẩu về Việt Nam và phân phối cho từng cơ sở tiêm chủng. Căn cứ vào hồ sơ tiêm chủng lưu lại tại mỗi cơ sở sẽ xác định được vắc-xin đã tiêm hết hay chưa. Bên cạnh đó, hiện nay vắc-xin 6 trong 1 có tên Hexaxim đang được thử nghiệm trên 354 trẻ em ở Thái Bình. Nếu trôi chảy, tháng 6/2016 có thể nghiệm thu giữa kỳ để cho đăng ký lưu hành sau đó. Đây là vắc-xin cùng nhà sản xuất Sanofi Pasteur với vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim. Hexaxim cũng đã được sử dụng ở 80 quốc gia trên toàn thế giới. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Từ tháng 3/2015 đến nay, các điểm tiêm chủng dịch vụ đã tiêm gần 100.000 liều vắc-xin Quinvaxem an toàn Như các bạn biết, trong thời điểm hiện nay có khoảng một lượng nhỏ vắc-xin Pentaxim được nhập về để tiêm chủng cho trẻ dưới hình thức tiêm dịch vụ. Tất cả những trẻ em từ trước tới nay đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc-xin Pentaxim mà không có đủ vắc-xin tiêm mũi tiếp theo theo lịch của tiêm chủng thì cần phải đưa trẻ đi tiêm ngay vắc-xin Quinvaxem thay thế để tránh hiện tượng trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch thì sẽ rất dễ mắc bệnh khi có dịch xảy ra. Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo tất cả các điểm tiêm dịch vụ đều tiêm vắc-xin Quinvaxem miễn phí cho trẻ. Mỗi năm, Việt Nam tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ em bằng vắc-xin Quinvaxem thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng và từ tháng 3/2015 đến nay, các điểm tiêm chủng dịch vụ đã tiêm gần 100.000 liều vắc-xin Quinvaxem an toàn, hiệu quả, riêng các điểm tiêm chủng dịch vụ của TP. Hà Nội đã tiêm trên 50.000 liều vắc-xin này. Hiện nay, vắc-xin Quinvaxem đã được sử dụng trên 90 quốc gia trên toàn thế giới với số lượng gần 500 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc-xin này được sử dụng cho các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Việt Nam. Được sự hỗ trợ của liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), từ năm 2010 đến nay, hiện Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều Quinvaxem, góp phần không nhỏ trong việc giảm nguy cơ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm mà có vắc-xin tiêm chủng. |