Ngày 22/11, tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp đâm tử vong nhân viên bảo vệ. Đây là vụ cướp ngân hàng thứ hai tại Đà Nẵng trong vòng 7 tháng qua.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết, hai nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng trên địa bàn là Trần Văn Trí (22 tuổi, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có lời khai ban đầu về động cơ gây án.
Bước đầu 2 đối tượng khai nhận, do không có công ăn việc làm, lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game…, nên nợ nần tiền bạc. Trước đây cả 2 không quen biết nhau, chỉ gặp, trao đổi với nhau trên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều. Khoảng đầu tháng 11/2023, Cường thuê nhà trọ trên đường Đồng Kè, quận Liên Chiểu, sau đó rủ Trí về ở cùng. Để có tiền tiêu xài, ban đầu 2 đối tượng rủ nhau đi cướp tài sản tại nhà dân, tuy nhiên sau đó đổi ý định và chuyển qua bàn bạc, thống nhất sẽ đi cướp ngân hàng.
Trước khi hành động, Cường lên mạng đặt mua 1 khẩu súng và chuẩn bị thêm 1 con dao, ba lô, áo khoác nhằm tránh bị phát hiện. Đến 13 giờ 45 ngày 22/11, cả 2 đã thực hiện vụ cướp manh động, táo tợn này.
Tương tự, ngày 27/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. HCM đã bắt 3 nghi phạm gồm Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, ngụ Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, Bến Tre) về hành vi dùng súng cướp ngân hàng, số tiền cướp được gần 4 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt giữ, nhóm này khai nhận do không có việc làm, nợ nần nên tham gia nhóm kín Facebook "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Sau đó các đối tượng đã mua súng trên mạng xã hội để thực hiện cướp tài sản tại ngân hàng.
Theo Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an, những hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn cho cộng đồng, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với xã hội. Ngoài ra đã có đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật từ những hội nhóm này.
Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học nhận định, việc lập những hội nhóm trên mạng xã hội tưởng chừng chỉ để giải trí, tuy nhiên những nhóm như vỡ nợ làm liều, hướng dẫn bùng nợ, hướng dẫn tự tử đã thành nơi liên kết hẹn hò một số thành viên liều lĩnh.
Tại những hội nhóm này, xuất phát từ những lời khuyên, rủ rê qua nhóm, các đối tượng đã kết nối với nhau với mục đích vi phạm pháp luật, cướp tài sản. Đây là một điều đáng lên án, do vậy những nhóm này cần phải được ngăn chặn.
"Những hội nhóm vỡ nợ muốn làm liều. Đối tượng trong các hội nhóm này đa phần là những người có tâm lý bất an, lo sợ, luôn suy nghĩ làm sao để có thật nhiều tiền. Nếu như một đối tượng đơn phương đứng trước nhiều nỗi sợ, khi có 2 đối tượng trở nên lại trở thành điểm tựa để cùng nhau thực hiện. Từ đó, cơ quan chức năng cần có những giải pháp ngăn chặn những hội nhóm tiêu cực này, những hội nhóm này được coi là nơi mầm mống của tội phạm.", Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu thông tin.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, pháp luật không cấm hành vi thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội, tuy nhiên phải đúng với quy định. Tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Đặc biệt, đối với chủ tài khoản, chủ hội nhóm biết rõ các thành viên trong nhóm đã và sẽ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không tố giác sẽ bị xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.