Hà Nội

Quên bệnh tật, níu cuộc đời ở lại

26-12-2013 13:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Những bệnh nhân chấn thương sọ não sống nhờ bóp bóng, những bệnh nhân chỉ còn da bọc xương, xanh như tàu lá, nằm bất động như đời sống thực vật... biết là sau cấp cứu, dù có sống, cũng là sống đời thực vật, phiền con chăm sóc - nhưng ai cũng níu kéo để tiếp tục ở lại

Những bệnh nhân chấn thương sọ não sống nhờ bóp bóng, những bệnh nhân chỉ còn da bọc xương, xanh như tàu lá, nằm bất động như đời sống thực vật... ai cũng có cả thân nhân chạy theo, mặt mày lo lắng, biết là sau cấp cứu, dù có sống, cũng là sống đời thực vật, phiền con chăm sóc - nhưng ai cũng níu kéo để tiếp tục ở lại nơi cõi tạm.

Người ta nói cuộc đời này là cõi tạm, cõi chết mới là vĩnh hằng. Thế mà không ai muốn rời xa cái cõi tạm này để trở về với Thiên Đàng/Niết Bàn? Có phải quan niệm do người đời đặt ra hầu như an ủi khi bước dần vào cõi chết. Tôi thì quyết bám vào cõi tạm dù xa xa thấp thoáng bóng dáng của vô thường, vì cõi tạm này tôi còn nặng nợ quá.

Tôi thật đại bất hiếu, nếu chối bỏ đạo làm con, bỏ ra đi trước khi các bậc sinh thành, trốn bỏ nghĩa vụ thiêng liêng lo cho cha mẹ đến khi trăm tuổi.

Tôi quyết bám vào cõi tạm, vì thật bất nghĩa một khi chưa lo cho vợ con đến nơi đến chốn, khi không cùng vợ tôi sánh vai vui buồn và cùng nuôi dạy con cái khôn lớn. Vợ tôi thời thơ ấu sống trong sung sướng, tốt nghiệp Đại học, đi dạy rồi sau này phụ tôi soạn thuốc và dặn dò bệnh nhân; vợ tôi luôn bị ói vì dị ứng với chất thải của người khác; thế mà hằng đêm phải trải chiếu dưới nền kế giường tôi, mặc cho mọi người bước ngang bước dọc từ đầu đến chân, giờ đây hằng ngày đẩy xe đưa tôi đi xét nghiệm, săn sóc tôi chu đáo, ân cần, dịu dàng, thấy đủ mọi cái dơ dáy mà vẫn cắn răng chịu đựng được. Ôi, tiếc thay khi lìa bỏ một người phụ nữ Việt Nam đáng yêu, một người vợ hiền thục và đức hạnh, một đời sống vì chồng con.

 

Tôi quyết bám víu vào cõi tạm vì chưa lo cho các con ăn học thành tài, chối bỏ thiên chức làm cha, để các con bơ vơ trong những ngày đại và tiểu đăng khoa, các con sẽ buồn biết mấy. Tôi thường an ủi: “Nếu Ba có ra đi trong lúc này, các con hạnh phúc lắm rồi, vì các con đã đủ lớn để bước vào đời, có những đứa trẻ mới 1, 2 tuổi chưa từng thấy mặt cha mới thật bất hạnh. Lòng nhân ái, đức hy sinh, tính hòa thuận, hành trang là nụ cười... thì các con đã học được của Ba rồi. Ba yên tâm vì tương lai các con.

Tôi quyết bám vào cõi tạm vì anh chị em ruột sống với nhau dưới một mái nhà, đến khi lập gia đình riêng vẫn giữ mối quan hệ máu mủ thâm tình, và thêm các anh chị em bên vợ cũng sống chân tình không phân biệt, cùng nhau đóng góp ý kiến giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Đành dứt bỏ anh em, tôi có bất nghĩa? Bạn bè trong và ngoài ngành, thân nhau từ độ tiểu học, hay mới quen biết trong thời gian sau này đều chơi với nhau chân tình, không một chút dối trá; tưởng rằng được quan hệ đến trọn đời, sẻ chia vui buồn lớn nhỏ, mong ngày 70 tuổi vẫn còn chống gậy đến thăm nhau, ôn lại quá khứ, làm bài học cho con cháu, cuộc đời an lành thế, sao tôi phải rút khỏi cuộc chơi sớm? Trong 25 năm hành nghề, khi tôi tiếp xúc bệnh nhân, hoàn toàn không có kiểu kinh doanh dối trá, lừa bịp, mà ngược lại, đã tạo được khá nhiều ân đức. Hơn một năm nay tôi đã khám và cấp thuốc miễn phí cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi, lòng tôi thanh thản lạ kỳ và tôi biết tôi đã thoát được một phần khỏi vùng cơm áo trần tục. Lòng hẹn với lòng, đến năm 60 tuổi, tôi sẽ khám và cấp thuốc miễn phí cho tất cả các bệnh nhân - đây xem như là một đền đáp lại cuộc sống ổn định mà bệnh nhân đã mang lại cho tôi. Sự tin tưởng, kính trọng và tri ân mà bệnh nhân đối với tôi, trong khi tôi chưa thực hiện được hoài bão tuổi 60 của mình - tôi lại xé áo dứt bỏ, tôi có bất nhân?

Cõi tạm ơi, ta còn nặng nợ quá. Tôi không xin thêm thời gian, chỉ biết tâm tôi còn nhiều hoài bão và ước vọng quá. Cách đây 20 năm, tôi đã ngộ rằng: “Tiền bạc không mang lại hạnh phúc”. Ngoài công việc hằng ngày đủ nuôi sống vợ con, tôi đã trải lòng với bạn bè và mọi người xung quanh. Mẹ tôi hay than phiền: “Bác sĩ người ta nhà 2, 3 cái to rộng, còn mình nhà không ra nhà, không bằng căn bếp người ta”. Tôi cười nhẹ: “Để mẹ xem, sau này khi Ba mẹ trăm tuổi, hay khi con bệnh, bạn bè ai đến thăm đông hơn”- Đây coi như một lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Bạn bè thăm đông, lòng tôi ấm lại, được tăng nghị lực để chấp nhận hoàn cảnh. Đồng môn khóa 9 đối xử chân tình và chia xẻ sâu sắc hơn một số bạn khóa 10 của tôi, bởi tôi chỉ khao khát một sự chia xẻ tự đáy lòng. Biết làm sao được khi các bạn chưa NGỘ, chưa thoát khỏi vòng cơm áo gạo tiền, chưa vượt được sự ham muốn đời thường - nên tôi biết một số bạn khóa 10 của tôi cuộc đời vẫn còn lận đận…..

Đời cũng nên ngã bệnh một lần để biết được mình cho và nhận bao nhiêu? Tôi đã thấy và tự cân được mình. Nhưng thà các bạn bị tai nạn gãy hai xương đùi, các bạn bị cắt dạ dày hay tai biến liệt nửa người… chứ các bạn đừng ngã bệnh như tôi… sẽ biết được lòng người đối với mình, để đánh giá lòng mình đối với người, nhưng bệnh nghiệt ngã quá, không có thuốc chữa, không có lối thoát, sẽ ra đi trong đau đớn, suy kiệt … Cầu mong cho các bạn đừng lâm vào hoàn cảnh như tôi. Hàng tuần tôi vào Chợ Rẫy hóa trị một lần, nhìn những giọt serum pha thuốc nhỏ từng giọt, từng giọt… mỗi giọt 2.000 đồng, chai 100ml, đếm cho hết cũng mất 6 triệu, thêm các thuốc râu ria khác, mỗi tuần phải mất 450USD- lại đếm tiếp từng giọt… Những ngày ở nhà, chơi với các con, xem TV, đọc báo lâu lại mệt, dù sáng sáng cố tập khí công 1 giờ để chữa ung thư do BS Vĩnh dạy.

Từng giọt, từng giọt, từng giọt… Con người sinh ra để làm gì? Từng giọt, từng giọt, từng giọt… Con người chết đi về đâu? Từng giọt, từng giọt, từng giọt… Tôi đã làm gì cho đời và nhận được ở đời những gì? Từng giọt, từng giọt, từng giọt…

Tôi còn đếm bao giờ đây? Ngày nay, ngày mai, hay một trăm năm nữa???

BS. Trương Thoại Hào

Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 


Ý kiến của bạn