Quế: vị thuốc và hương liệu cuộc sống

SKĐS - Y học phương Đông xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Việt Nam là một trong những nước trồng rất nhiều quế, hàng năm xuất khẩu đến hàng trăm tấn quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu quế làm dược liệu, hương liệu dùng trong thẩm mỹ, phục hồi sức khỏe, cải thiện sức khỏe và điều trị bệnh.

Mô tả cây

Quế: tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees. Họ long não (Lauraceae). Cây to, cao 10 - 20m, vỏ ngoài nứt nẻ, thân phân nhiều nhánh. Cây mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng vỏ quế bóc sau 20 - 30 năm thì tốt nhất. Vỏ quế bóc vào tháng 4 - 5 hay 9 - 10 sẽ dễ hơn vì đây là giai đoạn quế làm nhựa. Vỏ quế đem về ngâm nước 1 ngày, rửa sạch rồi xếp vào sọt tre kín, ủ lá chuối chung quanh khoảng 3 - 7 ngày rồi lấy ra để chỗ mát cho khô. Quế cành thì thu hái vào mùa hè, phơi khô. Lá và vỏ dùng cất tinh dầu. Cành quế đầu nhỏ vót thì gọi là quế tiêm, cành nhỏ vừa là quế chi. Vỏ quế gọi là quế thông. Quế thông gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm. Quế bóc ở thân, cành to, dày là quế nhục.

Quế: vị thuốc và hương liệu cuộc sống

Thành phần hóa học: vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2 - 1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin. Tác dụng dược lý: trên súc vật thực nghiệm, thuốc mà chủ yếu là cinnamaldehyde có tác dụng ức chế trung khu thần kinh, an thần, giảm đau và giải nhiệt. Cinnamaldehyte còn có tác dụng làm giảm co giật và tử vong đối với súc vật do tiêm quá liều strychnine. Dầu vỏ quế là thuốc thơm kiện vị trừ phong, có tác dụng kích thích nhẹ dạ dày và ruột. Thuốc có tác dụng tăng tiết nước bọt và dịch vị tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn nội tạng, làm dịu cơn đau bụng do co thắt ruột. Cinnamaldehyt còn có tác dụng ức chế sự hình thành loét bao tử ở chuột do kích thích. Tác dụng lên hệ tim mạch: nước sắc nhục quế làm tăng lưu lượng máu động mạch vành tim cô lập của chuột lang, cải thiện được thiếu máu cơ tim cấp của thỏ do pituitrin gây nên. Tác dụng kháng khuẩn: trên ống nghiệm, Nhục quế có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gram ( ), mạnh hơn đối với gram (-), ức chế cả đối với nấm gây bệnh.

Theo sách Bản thảo tuy có nói quế hơi độc, nhưng cũng tùy loại mà phân hóa: nếu dùng với hoàng cầm, hoàng liên làm sứ thì độc nhỏ ấy hóa thành độc to. Gặp nhân sâm, mạch môn, cam thảo thì có khả năng điều hòa tỳ vị, thêm khí mà có thể uống lâu; gặp được sài hồ, can địa hoàng thì có khả năng điều hòa phần vinh mà ngăn được chứng mửa ói.

Thận trọng: người dương thịnh âm hư thì kiêng dùng, sách nói: “Mùa xuân, mùa hè cấm dùng” là nói trong lúc bình thường, nhưng lúc cần thiết đều phải bỏ thời tiết để chiếu chứng trạng mà xử lý.

Cách bào chế: kỵ sấy lửa, vì mọi vị thơm gặp nóng thì không còn công hiệu, khi dùng gọt bỏ vỏ thái nhỏ không thì khí vị mất hết, nếu dùng vào thuốc bổ thì nhờ nó mà cổ vũ tính thuốc, nên cho vào nấu chung với thuốc; nếu dùng vào thuốc chén để có công hành huyết chạy khắp thì chờ thuốc sắc xong mới cho vào lại sắc sôi vài dạo mà uống.

Quế: vị thuốc và hương liệu cuộc sốngThu hoạch quế

Công dụng từng bộ phận trên cây quế

Nhục quế: ngày xưa khi lập phương dụng dược với hai vị quế, phụ có khi dùng cả, có khi dùng một vị, chẳng may nhầm lẫn, nhiều người không biết chỗ huyền diệu ấy, cứ tùy ý mình mà dùng; có biết đâu nhục quế vị tuy ngọt mà khi cay thơm xông bốc, thăng được, giáng được, đi ngang ra được, đi thẳng ra được, ra ngoài được, vào trong được, bổ được, tả được, thông sướng các kinh, cổ vũ khí huyết, cho nên công hiệu tuy nhanh nhưng tính của nó chuyên chú chạy và tiết ra, mà sức ôn trung cứu phần lý không thể kéo dài, không khỏi có chỗ tiến nhanh nhưng thoái cũng nhanh. Còn như phụ tử khí vị rất cay, hơi có cả ngọt và đắng, khí hậu vị bạc, giáng xuống nhiều đưa lên ít, từ trên đi thẳng xuống, chạy mà không giữ lại, có công năng cứu vãn phần lý, hồi phục dương khí, có sức dẫn hỏa về nguyên chỗ, có khả năng làm ấm kinh lạc, đó là chỗ sở trường của nó, khác với tính năng của nhục quế, cay, ngọt, nhẹ, bốc lại có thể đi ngang ra, thấu suốt ra ngoài biểu lý, chạy khắp các kinh mạch. Phụ tử thì về mùi vị có cả cay lẫn đắng, cho nên công năng của nó chuyên chú suốt xuống dưới, chạy vào trong để cứu vãn phần dương trong phần âm, là vị thuốc của chân âm chân dương tiên thiên. Nhục quế thì mùi vị ngọt mà cay, cho nên đã bổ được mệnh môn lại hay chạy lên trên, suốt tới ngoài phần biểu, cứu vãn phần dương trong dương, lại là thuốc của phần vinh vệ khí huyết hậu thiên: cho nên muốn hoàn toàn ôn nhiều bổ mạnh cho trung khí của chân âm chân dương,hoặc có khi dùng hai vị đó, hoặc dùng sâm truật làm quân, phụ tử làm tá, như loại Bát vị hoàn quế và phụ đều cần; Sâm phụ thang, Truật phụ thang, Lý trung thang thì không dùng nhục quế là như vậy. Nếu muốn làm ấm trung tiêu, điều hòa khí huyết, chạy khắp ra ngoài giữ vững phần biểu thì dùng thuốc bồi bổ khí huyết làm quân, mà chỉ dùng một vị nhục quế làm tá sứ như loại Sâm kỳ ẩm, Thập toàn đại bổ thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang thì không co phụ tử là như vậy. Ứng dụng lâm sàng:

Trị đau bụng tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư:

Tam khí đơn: nhục quế 3g, lưu hoàng 3g, hắc phụ tử 10g, can khương 3g, chu sa 2g, chế thành viên, mỗi lần uống 3g ngày 2 lần với nước sôi ấm. Trị chứng nôn ỉa nhiều, quyết nghịch hư thoát.

Quế linh hoàn: nhục quế 3g,mộc hương 3g, can khương 5g, nhục đậu khấu, chế phụ tử đều 9g, đinh hương 3g, phục linh 9g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.

Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù: Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương): can địa hoàng 15g, sơn dược 12g, sơn thù 6g, phục linh, đơn bì, trạch tả đều 12g, nhục quế 4g, phụ tử 10g, xuyên ngưu tất 12g, xa tiền tử 15g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 - 3 lần.

Trị chứng bụng đau, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn:

- Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 - 4g với nước ấm hoặc rượu càng tốt.

- Lý âm tiễn: thục địa 16g, đương quy 12g, nhục quế 5g, can khương 5g, cam thảo 4g, sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh.

Trị nhiễm độc phụ tử: theo kinh nghiệm dân gian, đã dùng nhục quế trị nhiễm độc phụ tử cấp. Dùng nhục quế 5 - 10g ngâm nước uống, sau khi uống 5 - 15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15 - 30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3 - 5g cách uống như trên. Sau khi uống thuốc 15 - 30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần.

Quế: vị thuốc và hương liệu cuộc sốngQuế chi

Quan quế: vị cay, tính ấm, không độc, hoàn toàn là dương dược, vào hai kinh tâm tỳ. Chủ dụng: chữa bệnh trung hàn, giết ba loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí, chữa đau họng, ho nghịch khó thở, làm ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.

Quế chi: vị cay, tính nóng và nhẹ, có độc nhẹ, khí nổi lên mà đưa lên, là dương dược, vào hai kinh Tỳ và Bàng quang. Chủ trị: vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ, cơ biểu, trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi thì làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi thì làm cho cầm mồ hôi, đi ngang, làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn. Khí và vị đều nhẹ, cho nên có khả năng giải biểu tán tà, các chứng thương phong, thương hàn có mồ hôi thì dùng để giải nhẹ biểu tà, tà hết thì mồ hôi tự hết chứ chẳng cần phải giữ vững phần biểu để cầm mồ hôi. Trong bản thảo nói quế phát hãn, mà Trọng Cảnh chữa bệnh thương hàn lại dùng quế vào lúc đang có mồ hôi, lại bảo rằng không có mồ hôi thì không được uống quế chi, mồ hôi nhiều thì dùng Quế chi Cam thảo thang,đó là dùng quế để hãm mồ hôi, một vị thuốc mà hai cách dùng. Sách Bản thảo nói quế cay ngọt có khả năng thông các mạch làm ra mồ hôi, đó là điều hòa được huyết thì mồ hôi tự ra, còn Trọng Cảnh nói bệnh thái dương nóng không có mồ hôi là phần vinh yếu, phần vệ khỏe, âm đã hư thì dương lấn vào cho nên phải dùng quế chi để cho ra mồ hôi, hòa được phần vinh thì phần vệ tự lợi, tà không còn chỗ dung thân rồi mồ hôi tự mà ra được, chứ không phải quế chi có khả năng làm mở lỗ chân lông thớ thịt để phát hãn; mồ hôi ra nhiều mà lại dùng quế chi là dùng nó điều hòa vinh vệ, thời tà theo mồ hôi mà xuất, thế là hết mồ hôi, chứ không phải quế chi làm cho mồ hôi không ra nữa. Nếu không hiểu ý, gặp bệnh thương hàn không có mồ hôi mà cứ dùng bừa quế chi là sai.Kiêng kị: bệnh âm thịnh dương hư thì kiêng dùng, bệnh thương hàn không có mồ hôi thì không được dùng lầm.Ứng dụng lâm sàng:

Tán hàn giải cảm: chữa chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau mình, sợ lạnh: Quế chi thang (Thương hàn luận) gồm: quế chi 12g, bạch thuợc 12g, chích thảo 6g, sinh khương 12g, đại táo 4 quả sắc nước uống. Dùng tốt đối với bệnh nhân cơ thể vốn yếu mắc ngoại cảm phong hàn.

Khu hàn chỉ thống: trị chứng đau bụng do cảm hàn dùng bài Tiểu kiến trung thang: quế chi 8g, bạch thược 16g, chích thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 4 quả, đường phèn 30g, sắc thuốc bỏ xác cho đường vào uống lúc nóng.

Trị chứng phong thấp đau các khớp không sốt dùng bài: Quế chi phụ tử thang: quế chi 12g, phụ tử 12g, cam thảo 8g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc nước uống lúc nóng.

Hành huyết thông kinh: trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh, dùng Quế chi phục linh hoàn gồm: quế chi, phục linh, đơn bì, bạch thược, đào nhân mỗi thứ 8g sắc nước uống hoặc tán bột mịn làm hoàn.

Bài thuốc trị u xơ tử cung: quế chi, đào nhân, xích thược, hải tảo, mẫu lệ, miết giáp mỗi thứ 160g; phục linh, đơn bì, bạch thược, đào nhân mỗi thứ 240g, hồng hoa 100g, nhũ hương, một dược, tam lăng, nga truật mỗi thứ 80g. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10 - 12g, ngày 2 - 3 lần.

Ôn thận hành thủy: quế chi có tác dụng thông dương lợi thủy phối hợp các vị thuốc ôn thận kiện tỳ lợi thủy khác trị các chứng phù (trong bệnh viêm thận, thận hư nhiễm mỡ) hoặc đàm ẩm (trong bệnh viêm phế quản mạn).

Trị chứng phù thường dùng bài Ngũ linh tán: bạch linh, bạch truật, trư linh mỗi thứ 12g, trạch tả 16g, quế chi 4g tán bột mịn mỗi lần uống 8 - 12g hoặc làm thuốc sắc.

Trị chứng viêm phế quản hoặc hen phế quản mạn tính nhiều đàm dùng Linh quế truật cam thang: bạch linh 12g, bạch truật 8g, quế chi 8g, cam thảo 4g sắc nước uống.

Quế tâm (gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, rất ngọt). Khí vị: vị ngọt tính âm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết, gọi là quế tâm là mĩ từ khen ngợi. Chủ dụng: giết được ba loại trùng, hạ được nhau sót, chữa chứng huyết xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương dùng quế tâm vào thuốc bổ âm thì có khả năng lưu hành sự ngưng trệ của huyết dược để bổ thận, do vị cay thuộc phế kim, có thể sinh thủy để hành huyết, chữa chứng chân mềm nhũn cấu vào không biết đau và chứng trung phong bán thân bất toại, nghiến răng, đờ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, chữa được chứng đau vùng thượng vị. Trị sinh xong khí huyết không tan, tích tụ lại thành hòn khối ở thượng vị, cảm hàn nhiệt, tay chân gầy ốm: bài thuốc Quế Tâm Hoàn: can tất 30g; đại hoàng 40g; đào nhân 40g; đương quy 20g; hậu phác 40g; huyền hồ sách 40g; mẫu đơn bì 30g; miết giáp 40g; một dược 20g; quế tâm 40g; tam lăng 40g; tân lang 20g; thanh bì 30g; xích thược 20g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 8 - 12g.

Y học cổ truyền đã có cách sử dụng các vị thuốc từ quế rất nhiều, quế được dùng từng bộ phận của cây với những tác dụng khác nhau, dùng đơn lẻ từng vị, từng bộ phận hoặc hợp vị, với các cách dùng đa dạng từ thuốc sắc, thuốc ngâm rượu, cao dán tới các túi chườm thảo dược hầu mang lới ích tuyệt vời từ các bộ phận cũng như cây quế và ứng dụng điều trị các vị thuốc từ quế còn có tác dụng ngừa bệnh đái tháo đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da... đa dạng, phong phú trong suốt lịch sử y học cổ truyền.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn