Quế được dùng từng bộ phận của cây với những tác dụng khác nhau và cách dùng cũng đa dạng.Từ thuốc sắc, thuốc ngâm rượu, cao dán, tới các túi chườm thảo dược. Quế được ứng dụng điều trị phòng ngừa bệnh đái tháo đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da... Nhiều bài thuốc bổ thận, chữa bệnh vô sinh - hiếm muộn nam và nữ đều có dùng quế.
Mô tả cây
Quế có tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees; họ long não (Lauraceae). Cây to, cao 10 - 20m, vỏ ngoài nứt nẻ, thân phân nhiều nhánh. Cây mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng vỏ quế bóc sau 20 - 30 năm thì tốt nhất. Vỏ quế bóc vào tháng 4 - 5 hay 9 - 10 sẽ dễ hơn vì đây là giai đoạn quế làm nhựa.
Vỏ quế đem về ngâm nước 1 ngày, rửa sạch rồi xếp vào sọt tre kín, ủ lá chuối chung quanh khoảng 3 - 7 ngày sau đó lấy ra để chỗ mát cho khô. Quế cành thu hái vào mùa hè, phơi khô. Lá và vỏ dùng cất tinh dầu.Cành quế đầu nhỏ vót thì gọi là quế tiêm, cành nhỏ vừa là quế chi. Vỏ quế gọi là quế thông.Quế thông gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm.Quế bóc ở thân, cành to, dày là quế nhục.
Quế có khí thơm, vị cay ngọt, tính nóng, có hơi độc, hoàn toàn là dương dược, vào hai kinh can thận. Chủ dụng: cứu được khí nguyên dương đã lạnh lâu ngày, giúp ấm cho chứng tỳ vị hư hàn, ức chế can tà, thông lợi phế khí, bổ chứng ngũ lao, trị chứng thất thương, cứng gân xương, mạnh sinh dục, dưỡng tâm thần, thống huyết mạch, trị đau bụng, nuôi tinh tủy, ấm lưng gối, chữa tê thấp, ho đờm, nhọt trong mũi, sáng mắt, điều hòa nhan sắc, tuyên thông khắp các kinh mạch.
Cách bào chế: kỵ sấy lửa, vì mọi vị thơm gặp nóng sẽ không còn công hiệu; khi dùng gọt bỏ vỏ thái nhỏ không thì khí vị mất hết, nếu dùng vào thuốc bổ nhờ nó mà tăng hiệu quả thuốc nên cho vào nấu chung với thuốc; nếu dùng vào thuốc chén để có công hành huyết chạy khắp nên chờ thuốc sắc xong mới cho vào, lại sắc sôi vài dạo mà uống.
Công dụng từng bộ phận
Nhục quế: vị này thường được so sánh với phụ tử. Về phụ tử: mùi vị có cả cay lẫn đắng, nên công năng của nó chuyên chú suốt xuống dưới, chạy vào trong để cứu vãn phần dương trong phần âm, là vị thuốc của chân âm chân dương tiên thiên. Nhục quế mùi vị ngọt mà cay, đã bổ được mệnh môn lại hay chạy lên trên, suốt tới ngoài phần biểu, cứu vãn phần dương trong dương, lại là thuốc của phần vinh vệ khí huyết hậu thiên. Vì vậy, muốn hoàn toàn ôn nhiều bổ mạnh cho trung khí của chân âm chân dương, hoặc có khi dùng hai vị đó, hoặc dùng sâm, truật làm quân, phụ tử làm tá, như Bát vị hoàn có cả quế và phụ; Sâm phụ thang, Truật phụ thang, Lý trung thang không dùng nhục quế là như vậy.
Nếu muốn làm ấm trung tiêu, điều hòa khí huyết, chạy khắp ra ngoài giữ vững phần biểu dùng thuốc bồi bổ khí huyết làm quân, mà chỉ dùng một vị nhục quế làm tá sứ như loại Sâm kỳ ẩm, Thập toàn đại bổ thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang không có phụ tử là như vậy.
Quế chi: vị cay, tính nóng và nhẹ, có độc nhẹ, khí nổi lên mà đưa lên, là dương dược, vào hai kinh tỳ và bàng quang. Chủ trị: vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ, cơ biểu, trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn; không có mồ hôi làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi làm cho cầm mồ hôi.
Trong Bản thảo nói quế phát hãn, mà danh y Trường Trọng Cảnh chữa bệnh thương hàn lại dùng quế vào lúc đang có mồ hôi, lại bảo rằng không có mồ hôi thì không được uống quế chi; mồ hôi nhiều dùng quế chi cam thảo thang, đó là dùng quế để hãm mồ hôi, một vị thuốc mà hai cách dùng.
Quế tâm (gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, rất ngọt): vị ngọt tính âm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết; chủ dụng: chữa chứng huyết sung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết,…; trị sinh xong khí huyết không tan, tích tụ lại thành hòn khối ở thượng vị, cảm hàn nhiệt, tay chân gầy ốm.
Một số bài thuốc dùng quế
Quế linh hoàn: nhục quế 3g, mộc hương 3g, can khương 5g, nhục đậu khấu, chế phụ tử đều 9g, đinh hương 3g, phục linh 9g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.
Tế sinh Thận khí hoàn: can địa hoàng 15g, sơn dược 12g, sơn thù 6g, phục linh, đơn bì, trạch tả đều 12g, nhục quế 4g, phụ tử 10g, xuyên ngưu tất 12g, xa tiền tử 15g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 - 3 lần. Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù.
Thất vị bổ tinh: thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g, nhục quế 40g. Đây là bài Bát vị hoàn được bỏ vị phụ tử vì vị này có tính nóng, hơi độc không thích hợp với người bị cao huyết áp, người trẻ tuổi. Tuy nhiên, bài thuốc vẫn giữ lại vị nhục quế, thay vì bỏ đi như trong bài Lục vị hoàn. Bởi vì nhục quế có vị cay ngọt, tính nhiệt; quy vào các kinh thận, tỳ, tâm, can. Nhục quế có tác dụng bổ mệnh môn hỏa, tán hàn, ôn tỳ, chỉ thống, làm ấm khí huyết. Bài thuốc “Thất vị bổ tinh” giúp bổ thận, bồi dưỡng ngũ tạng, sinh tinh, làm cho tinh khí mạnh mẽ, rất dễ thụ thai. Quan niệm Đông y: “Tinh sinh khí, khí sinh thần”, người uống bài thuốc này thường xuyên thì tinh huyết dồi dào, da mặt hồng hào, sức khỏe dẻo dai, cơ xương rắn chắc.