Y học phương Đông xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Việt Nam là một trong những nước trồng rất nhiều quế, hàng năm xuất khẩu đến hàng trăm tấn quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu quế.Quế tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees; họ long não (Lauraceae). Cây to, cao 10 - 20m, vỏ ngoài nứt nẻ, thân phân nhiều nhánh. Cây mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng vỏ quế bóc sau 20 - 30 năm thì tốt nhất. Vỏ quế bóc vào tháng 4 - 5 hay 9 - 10 sẽ dễ hơn vì đây là giai đoạn quế làm nhựa.
Quế cành thu hái vào mùa hè, phơi khô. Lá và vỏ dùng cất tinh dầu.Cành quế đầu nhỏ vót gọi là quế tiêm, cành nhỏ vừa là quế chi. Vỏ quế gọi là quế thông.Quế thông gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm.Quế bóc ở thân, cành to, dày là quế nhục.
Thành phần hóa học: Vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2 - 1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin.
Các bộ phận khác nhau của cây quế có cách sử dụng cũng khác nhau theo y văn cổ như sau:
Nhục quế
Chủ dụng: Cứu được khí nguyên dương đã lạnh lâu ngày, giúp ấm cho chứng tỳ vị hư hàn, ức chế can tà, thông lợi phế khí, bổ chứng ngũ lao, trị chứng thất thương, cứng gân xương, mạnh sinh dục, dưỡng tâm thần, thống huyết mạch, trị đau bụng, chữa chứng bôn đồn, sán khí, chấm dứt chứng hư phiền, thu liễm chứng hư hãn, nuôi tinh tủy, ấm lưng gối, chữa tê thấp, ho đờm, nhọt trong mũi, sáng mắt, điều hòa nhan sắc, tuyên thông khắp các kinh mạch (đạo đạt khắp nơi không úy kỵ gì, gọi là thông sử). Khí của nó rất nồng hậu, có thể bổ sự bất túc của mệnh môn chân hỏa trong thận, thúc độc ung nhọt, đậu mùa, lại có khả năng dẫn huyết làm mủ, dùng làm thuốc thôi sinh chỉ trong chốc lát là kiến hiệu y như dùng bàn tay đẩy thai xuống.
Quan quế: Chữa bệnh trung hàn, giết ba loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí, chữa đau họng, ho nghịch khó thở, làm ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.
Quế chi: Chủ trị: vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ, cơ biểu, trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi làm cho cầm mồ hôi, đi ngang, làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn.
Quế tâm (gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, rất ngọt): hạ được nhau sót, chữa chứng huyết xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương, chữa chứng chân mềm nhũn cấu vào không biết đau và chứng trung phong bán thân bất toại, nghiến răng, đờ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, chữa được chứng đau vùng thượng vị.
Y học cổ truyền đã có cách sử dụng các vị thuốc từ quế rất đa dạng. Ngày nay, theo các nghiên cứu mới nhất, các vị thuốc từ quế còn có tác dụng ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da.... Quế cho chúng ta nhiều vị thuốc và ứng dụng điều trị phong phú trong suốt lịch sử y học.
Trong đời sống hàng ngày, quế có nhiều ứng dụng như trong ẩm thực dùng làm gia vị; chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ như túi thơm thảo mộc, xông nhà, làm miếng lót giày….
- Giúp dễ ngủ: Có thể sử dụng tinh dầu quế đốt lên và để trong góc phòng. Việc đó sẽ tạo ra cơ chế khuếch tán hương thơm, làm cho không gian trong phòng có mùi thơm đặc trưng của thảo dược và dễ dàng ngủ sâu hơn.
- Chữa đau nhức xương khớp: Quế ngâm rượu để xoa bóp giúp giảm đau khớp rất tốt. Tuy nhiên, cần thận trọng không nên dùng quá nhiều sẽ gây bỏng rát da vì quế rất nóng. Có thể dùng vài giọt tinh dầu quế pha với dầu nền như dầu dừa hay baby oil để xoa bóp giúp thư giãn, giãn cơ rất tốt.
- Chống hôi miệng: Có thể sử dụng vỏ quế khô hoặc tinh dầu quế. Hương thơm của quế sẽ giúp bạn có hơi thở thơm mát.Nhai một miếng quế khô còn có khả năng kháng khuẩn, chống viêm để loại bỏ sâu răng và các nguyên nhân khác gây hôi miệng.
- Làm giảm triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh: Pha vài giọt tinh dầu quế vào chậu nước nóng nhỏ xông mặt làm thông đường hô hấp, chữa nghẹt mũi, dễ thở.
- Dùng để ngâm, tắm, xông: Làm thơm, làm ấm cơ thể, thư giãn toàn bộ cơ thể.
- Quế, gia vị của nhiều món ngon: Vị thơm, cay và ngọt của quế giúp khử bớt mùi tanh, gây của cá, thịt; làm cho món ăn có hương vị hấp dẫn hơn, kích thích hệ tiêu hóa. Là thành phần gia vị của món phở, bún bò, làm bánh ngọt có hương quế, làm chả quế… Ngoài mùi thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn, thành phần tinh dầu của quế cũng giúp hệ tiêu hóa kháng khuẩn, làm món ăn thêm tính ấm, trừ đi phần hàn, giúp người ăn tránh được đau bụng. Tuy nhiên, cần thận trọng và dùng vừa phải, dùng nhiều quế có thể khiến môi miệng bị kích ứng, những người dị ứng với quế nên tránh các món ăn có quế làm gia vị, cũng không nên ăn quá nhiều quế vì quế tính nóng, gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể.
- Túi thơm quế: Mùi nấm mốc từ áo quần hay tường vôi ẩm, mùi máy lạnh, mùi xe ô tô… những thứ mùi khó chịu ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành xung quanh sẽ được khử sạch bằng túi thơm quế. Tinh dầu quế có tác dụng khử khuẩn, diệt nấm, xua đuổi ký sinh trùng
- Miếng lót giày: Khử mùi, làm ấm lòng bàn chân, hạn chế được nấm chân hay còn gọi là nấm candida albicans.
- Quế cũng chính là thành phần không thể thiếu trong các loại nhang thảo mộc sử dụng trong thờ cúng và nhang thiền. Nhang có thành phần là quế rất thơm, mang lại cảm giác ấm áp, bình an. Nguyên liệu làm nhang gồm tăm, bột cây quế, bột keo... Tùy theo cách pha trộn mà tạo ra những mùi hương thơm đặc biệt khác nhau.