Thời gian qua ở nước ta, nhiều bộ phim chiếu rạp chưa hết đợt công chiếu đã bị quay trộm rồi tung lên các trang mạng, qua đó gây thiệt hại doanh thu phòng vé của nhà sản xuất. Gần đây nhất, bộ phim Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) đang được chiếu ở hệ thống rạp khắp cả nước cũng đã bị quay trộm từ phòng chiếu phim và được tung lên mạng khiến giới làm nghề nói chung, ê-kíp sản xuất phim nói riêng rất bức xúc.
Ngập tràn phim bị quay trộm
Tại một cuộc hội thảo về bản quyền điện ảnh và truyền hình Việt Nam NSƯT Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt cho biết, hiện nay ở nước ta có đến 30% - 40% bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu, chủ yếu dưới hình thức khán giả đến xem phim rồi dùng các thiết bị ghi hình tinh vi, hiện đại để quay bộ phim mà họ đang xem trước màn ảnh lớn. Hành vi này ảnh hưởng đến doanh thu và “giết chết” giá trị sáng tạo của nền nghệ thuật thứ bảy.
Em là bà nội của anh – phim chiếu rạp mới nhất bị quay trộm và phát tán trái phép trên mạng.
Gần đây nhất, Em là bà nội của anh - bộ phim đang thu hút khán giả và trở thành tâm điểm của các rạp trên cả nước đã bị quay trộm, đối tượng quay lén sau đó đã đăng tải bản “nhái” lên trang mạng trực tuyến. Ngay sau đó, nhiều người đã xem Em là bà nội của anh mà không phải đến rạp, cũng không phải bỏ tiền mua vé. Khi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh biết được bộ phim bị quay trộm và phát tán trên mạng đã vô cùng sửng sốt, anh đã lập tức đề nghị ban quản trị trang mạng xóa bản quay trộm vì vi phạm bản quyền.
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, khi bản quay trộm bị tung lên mạng để người khác “xem chùa”, doanh thu phim sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều người xem bản lậu sẽ không đến rạp xem phim nữa, chưa kể xem bản quay trộm có chất lượng hình ảnh, âm thanh không đúng với bản chuẩn rồi nhiều người kết luận phim kém chất lượng, qua đó gây ảnh hưởng đến uy tín của cả ê-kíp làm phim.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim đã và đang được chiếu rạp bị quay trộm rồi tung lên mạng khiến nhà sản xuất phim bức xúc. Trước đó không lâu, giới làm nghề từng chứng kiến hàng loạt phim chiếu rạp hút khách như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Dòng máu anh hùng, Cánh đồng bất tận, Chàng trai năm ấy, Để Mai tính 2, Tốc độ và đường cong, Ngày nảy ngày nay... bị quay trộm và phát tán trên mạng. Lại có cả trường hợp phim Bụi đời Chợ Lớn, dù đã bị cơ quan chức năng ngành văn hóa cấm chiếu vì không đạt được các yêu cầu đề ra nhưng bộ phim này vẫn được đưa lên mạng (không phải nhà sản xuất), từ đó một số đối tượng tải về và in đĩa in lậu bán trên thị trường.
Luật có nhưng cần cả ý thức
Thực tế, giới làm phim chiếu rạp ở nước ta lâu nay vẫn nơm nớp lo sợ, vì nếu phim đang được chiếu mà bị phát tán trên mạng, khán giả sẽ không tới rạp xem nên doanh thu của nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí nhà sản xuất còn lỗ vốn hoặc trắng tay vì không bán được vé.
Nhìn ra thế giới, nếu quay trộm phim và đưa lên mạng với mục đích kinh doanh sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tiêu biểu ở Nhật Bản, nước này từ năm 2007 đã có luật về chống quay lén phim tại các rạp làm thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp điện ảnh. Nếu ai vi phạm có thể bị phạt tù (dưới 10 năm) hoặc phạt tiền (không quá 10 triệu yen, tức gần 1,8 tỉ đồng Việt Nam), hoặc cả hai.
Còn tại nước ta, Điều 27 Nghị định 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 35 triệu đồng. Giới luật gia cũng cho biết, người quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thì có thể bị xử lý hình sự.
Bởi ít ai biết, tại Điều 170a Bộ luật Hình sự quy định, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức và nhiều lần còn bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...
Luật chúng ta đã có nhưng tình trạng quay trộm phim vẫn diễn ra như cơm bữa. Không thể trách các rạp chiếu vì ở đâu cũng có nhân viên nhắc nhở khán giả không quay lén, việc cảnh báo vi phạm bản quyền được đưa trên màn hình lớn trước giờ chiếu phim, đồng thời nhà sản xuất cũng đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ đứa con tinh thần của mình không bị xâm phạm. Vậy nên, rất cần ý thức về tác quyền trong khán giả được nâng cao, bởi những người có ý thức mới biết hành vi quay trộm phim ở rạp là sai trái, vi phạm pháp luật!