Quấy rối tình dục, bạo lực gia đình... chẳng phải chuyện tầm phào!

01-06-2022 10:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, dùng cử chỉ ngón tay mang tính gợi dục… đều phải bị coi là hành vi quấy rối tình dục, theo các chuyên gia.

Đề xuất quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việcĐề xuất quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

SKĐS - Tại dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Nháy mắt, nhìn gợi tình, dâm dục… đều là quấy rối

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VCCI phối hợp hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc này đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận, dư luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết bà rất vui mừng vì bộ quy tắc lần này liệt kê chi tiết các hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Việc đưa ra các định nghĩa về quấy rối tình dục càng chi tiết thì càng dễ nhận diện, dễ xử lý khi có vấn đề xảy ra. Quy định càng chi tiết càng chứng tỏ những người làm luật muốn luật thực sự là công cụ hiệu quả để phòng ngửa và xử lý những hành vi sai trái. Việc các đại biểu quốc hội đưa ra nhiều ví dụ về hành vi bạo lực gia đình thì càng chứng tỏ họ quan tâm và có trách nhiệm đối với vấn đề này.

Nhận diện hành vi quấy rối tình dục - Ảnh 2.

Hành vi quấy rối tình dục công sở phải được ngăn chặn bằng các chế tài khắt khe.

"Mấy năm trước vụ một cán bộ nữ bị một cán bộ nam tấn công tình dục ngay tại công sở mà cơ quan lúng túng mãi không biết xử lý thế nào. Đó là vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết cho dù biết rõ kẻ tấn công tình dục", bà Hồng nói.

Trong bộ quy tắc nêu trên có nhắc đến các chi tiết nháy mắt, gợi tình… là hành vi quấy rối tình dục. Vấn đề là nhận diện, phân biệt đâu là nhìn bình thường, đâu là nhìn có ẩn ý, TS. Hồng cho rằng phụ nữ bình thường chắc chắn sẽ phân biệt được cái nhìn thân thiện, ngưỡng mộ với cái nhìn dâm dục, đểu cáng. Còn đàn ông, ai không sôi máu khi thấy một gã cứ nhìn hau háu vào ngực vợ/người yêu của mình? Chị em muốn được người ta tôn trọng, ngưỡng mộ (nếu nghĩ mình đẹp) hay muốn bị coi như đồ vật? Đàn ông muốn vợ/người yêu/con gái của mình bị xúc phạm bởi kẻ biến thái hay muốn họ được an toàn?

"Nếu muốn phụ nữ được an toàn, được tôn trọng thì nên ủng hộ việc ban hành các quy định điều chỉnh hành vi như bộ quy tắc ứng xử này. Đó không phải là việc tầm phào đâu", TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, ở công sở là thế, bạo lực trong gia đình cũng cần được nhận diện đúng đắn. Nếu quả thật vợ suốt ngày so sánh chồng với người khác bằng những lời miệt thị, coi thường, xúc phạm thì cũng là một hành vi bạo lực tinh thần. Còn chồng suốt ngày ngắm nghía cô hàng xóm rồi chê bai vợ, sỉ nhục vợ, ghẻ lạnh… thì cũng là bạo lực tinh thần. Luật Hồng Đức cho phép vợ ly hôn nếu 6 tháng liền chồng không quan hệ tình dục với cô ấy…

Chưa có khái niệm rõ ràng về quấy rối tình dục

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, đây không phải là bộ quy tắc mới, Dự thảo này đã được đưa ra từ năm 2015 nhưng chưa được thông qua. Những hành vi bằng lời nói, ánh mắt có tính chất trêu ghẹo, khiêu khích như: nhìn chằm chằm vào ngực, vào mông... hay những hành vi nheo mắt, đá lưỡi... có tính chất tình dục, khiến người khác cảm thấy xấu hổ bất an, cảm thấy nguy cơ bị xâm hại tình dục thì đây cũng là hành vi quấy rối tình dục...

Hành vi quấy rối tình dục có thể ở mức độ lời nói, hành vi, cử chỉ không có tiếp xúc nhưng cũng có tác động đến tâm lý, suy nghĩ, lo lắng, xấu hổ, bất an, sợ hãi cho nạn nhân, liên quan đến các yếu tố tình dục. Hành vi quấy rối tình dục nghiêm trọng hơn có thể ở dạng tiếp xúc cơ thể, tấn công tình dục, xâm hại tình dục, như dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm...

Trên thực tế, có bao nhiêu nữ nhân viên đủ dũng cảm đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục chốn công sở? Thời gian gần đây, hành vi sàm sỡ, dâm ô, quấy rối tình dục... xảy ra nhiều ở nơi công cộng, trong môi trường làm việc, và người thực hiện hành vi là người có trình độ học thức, hiểu biết, văn hóa cao. Dù nhiều người đã bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục nơi công cộng và trong môi trường làm việc vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng bất an cho nhiều người.

Hiện khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục" trong hệ thống pháp luật Việt Nam rất nghèo nàn, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện chưa thống nhất khái niệm thế nào là "quấy rối tình dục". Chỉ có hai lĩnh vực là lĩnh vực lao động và xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự là có nhắc đến khái niệm này. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có khái niệm "quấy rối tình dục", các nhận dạng, mô tả hành vi "quấy rối tình dục" là cần thiết.

Bởi vậy, khái niệm quấy rối tình dục cần được hiểu một cách đầy đủ thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, các chuẩn mực xã hội chung, làm cơ sở để bảo vệ danh dự nhân phẩm, bảo vệ quyền con người. Khi có cách hiểu thống nhất, đầy đủ về quấy rối tình dục và nghiêm túc chấp hành thì quyền tự do tình dục của mỗi người sẽ được pháp luật bảo vệ, được đảm bảo an toàn và là cơ sở để áp dụng các chế tài của pháp luật.

Theo dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VCCI phối hợp hoàn thiện, dựa trên cơ sở cập nhật bộ quy tắc cũ năm 2015. Dự thảo quy định 3 hình thức quấy rối gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói và bằng ngôn ngữ cơ thể.

Theo đó, những hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục, phô bày tài liệu mang tính phô dâm, gửi ảnh hoặc đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.. được xem là hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ cơ thể. Hành vi quấy rối mang tính thể chất được quy định là hành động, cử chỉ, tiếp xúc tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hoặc hôn; tấn công tình dục, cưỡng dâm hoặc hiếp dâm.

Quấy rối tình dục bằng lời nói bao gồm những lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tính dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội văn hóa và không được mong muốn. Hành vi này cũng được quy định là những ngụ ý về tình dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ. Những đề nghị, yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục cũng được coi là quấy rối.

Các cơ quan khuyến nghị việc áp dụng bộ quy tắc cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cả sản xuất và kinh doanh, dịch vụ, khu vực công và khu vực tư nhân bất kể quy mô. Đồng thời, người sử dụng lao động phải xây dựng và công bố các hành vi được xem là quấy rối tình dục bị nghiêm cấm tại nơi làm việc để đưa vào nội quy đơn vị; xây dựng và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống và xử lý.

Tiến sĩ Tâm thần học: Trẻ em bị quấy rối tình dục dễ sang chấn tâm lý, ám ảnh suốt đờiTiến sĩ Tâm thần học: Trẻ em bị quấy rối tình dục dễ sang chấn tâm lý, ám ảnh suốt đời

SKĐS - TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, quấy rối tình dục thường gây ra các sang chấn tâm lý kinh khủng đối với trẻ em (bao gồm cả trẻ gái và trẻ trai). Nỗi sợ hãi ấy có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời một đứa trẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 1/6: Công an Thanh Hóa truy tìm khẩn cấp tù nhân Triệu Quân Sự vừa tiếp tục vượt ngục | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn