Từ tháng 1/2022, Sở GTVT thành phố Hà Nội đã tiến hành lắp đặt rào chắn tại một số đoạn đường thường xuyên xuất hiện tình trạng các phương tiện giao thông dừng đỗ, đi lại lên vỉa hè.
Tại một số đoạn đường như đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm), đường Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai)… các rào chắn này giúp ngăn dòng xe cơ giới đi lên. Hai đầu đường, rào được bố trí so le chỉ vừa cho người đi bộ lách qua.
Nhiều người đi bộ cho rằng, họ khá khó khăn khi di chuyển qua rào chắn vì phần rào xếp so le khá hẹp, đặc biệt là người khuyết tật hoặc xe đẩy trẻ em.
Tương tự tại nút giao Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết (quận Nam Từ Liêm) có khoảng 200m hàng rào được dựng lên. Đây được cho là khu vực thường xuyên có xe máy tùy tiện leo lên vỉa hè hay các hộ dân bán hàng quán.
Tại một vị trí khác, ngã ba Tố Hữu - cầu Mộ Lao (quận Nam Từ Liêm) các hàng rào được dựng lên đã ngăn được tình trạng xe máy đi ngược chiều lên vỉa hè để thoát tắc.
Tuy nhiên một số hộ kinh doanh đá xẻ và cho thuê cốt pha tại đây lại biến khu hàng rào thành nơi tập kết vật liệu.
Bên cạnh đó, việc dựng rào chắn cũng có nhiều bất cập. Cụ thể, tại nhiều vị trí vỉa hè có điểm chờ xe buýt, hành khách hay đứng để lên xuống xe cũng bị hàng rào bịt lại. Do lối kết nối với xe buýt từ vỉa hè bị bịt, những ngày qua hành khách chờ xe buýt trên đoạn đường này phải đứng thành hàng ngang ở mép vỉa hè rất bất tiện.
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: "Mục tiêu của hệ thống rào chắn là nhằm hạn chế tình trạng các phương tiện đi lên vỉa hè gây mất an toàn giao thông. Về cơ bản, mục tiêu này là tốt nhưng mức độ hiệu quả còn cần phải nghiên cứu thêm".
Theo ông Liên, phía Sở GTVT Hà Nội cần thực hiện việc lắp đặt rào chắn có kế hoạch, đánh giá tình hình các tuyến đường đã lắp đặt rào chắn xem mức độ hiệu quả đến đâu. Từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp tình hình và nhu cầu thực tế. Tránh tình trạng làm đại trà sẽ gây lãng phí, phản tác dụng.
Bên cạnh đó cũng cần rà soát lại việc bố trí rào quá chật, không đủ chỗ cho xe đẩy trẻ em, xe lăn của người khuyết tật ra vào, lên xuống tại các tuyến hè sử dụng phân cách cứng.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan nhận định, việc lắp barie là cần thiết để ngăn xe máy và bảo vệ người đi bộ. Việc để vỉa hè bị chiếm dụng, trở thành nơi tập kết rác, bán hàng… gây khó khăn cho người đi bộ, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền cơ sở khi buông lỏng quản lý.
Muốn việc lắp rào chắn nhận được sự đồng tình của người dân phải làm đến nơi đến chốn đồng thời đảm bảo trật tự đô thị đồng bộ.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng bày tỏ quan điểm: "Ngoài chức năng phục vụ giao thông, vỉa hè còn là bộ mặt đô thị, do vậy quản lý, sử dụng vỉa hè cũng phải theo cơ chế mở, không thể dựng hàng rào "khóa" lại".
Liên quan đến phản ánh một số đoạn vỉa hè sau khi quây rào lại bị biến thành khu vực bán trà đá, tập kết rác, Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Sở GTVT chỉ là quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông, vận tải còn về chức năng quản lý trật trự đô thị, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán hàng rong thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại".
Xem thêm video được quan tâm:
Đông nghẹt F0 ở Hà Nội xếp hàng đến trạm Y tế test Covid-19