Tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại bởi gần đây, phim Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Ngô Thanh Vân) vừa ra rạp đã bị một nam thanh niên livestream (phát trực tiếp) lên trang mạng facebook làm xôn xao làng giải trí, nghệ sĩ và công chúng rất bức xúc.
Nhiều nạn nhân từ hành vi livestream
Thực tế cho thấy, khi mạng xã hội không ngừng phát triển đã giúp các tác phẩm điện ảnh được khán giả biết đến, chia sẻ và có sự lan tỏa nhiều hơn. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội (facebook, youtube...) mà ai cũng nhận thấy, đây là diễn đàn giúp người dùng dễ dàng chia sẻ, đăng tải hình ảnh, clip, livestream (phát trực tiếp) và nhiều trường hợp có hành vi vi phạm bản quyền và luật sở hữu trí tuệ.
Những ngày gần đây, bộ phim Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vừa ra rạp, bị người khác phát trực tiếp lên trang mạng facebook khiến làng giải trí “nóng” lên. Theo đó, N.V.T (19 tuổi, trú tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng bạn gái mua vé xem phim Cô Ba Sài Gòn ở một rạp chiếu tại TP. Vũng Tàu vào trung tuần tháng 11/2017. Sau khi xem ít phút, T. dùng điện thoại thông minh của bạn gái livestream phim Cô Ba Sài Gòn lên trang Phim của mạng xã hội facebook. Khi livestream được khoảng 30 phút thì có nhân viên của rạp đi vào kiểm tra nên T. đã ngắt phát trực tiếp, đồng thời khi thấy có những bình luận (comment) phê phán hành vi sai trái, T. đã gỡ, xóa đoạn phim chia sẻ. Điều đáng nói, khi T. phát trực tiếp phim Cô Ba Sài Gòn trên facebook, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã phát hiện ra, đích thân bình luận dưới đoạn phim và xin T. không phát trực tiếp nữa nhưng T. vẫn phớt lờ và tiếp tục hành vi “câu view” (lượt người xem) và vi phạm bản quyền của mình.
Phim Cô Ba Sài Gòn (bên trái) bị nam thanh niên (bên phải) phát trực tiếp lên mạng xã hội gần đây khiến nhiều người rất bức xúc. Ảnh: Sao star.vn
Đây không phải lần đầu tiên phim chiếu rạp của nghệ sĩ Việt bị phát trực tiếp trên mạng xã hội. Cuối tháng 8/2016, bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng của đạo diễn Ngô Thanh Vân, vừa ra rạp cũng bị một bạn gái trẻ xem phim tại TP.HCM bật chế độ livestream lên facebook cá nhân. Ngay sau đó, nhà sản xuất đã kịp thời phát hiện, liên hệ với quản lý rạp chiếu mời người phát trực tiếp ra ngoài làm việc. Trong khi đó, cách đây không lâu, bộ phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng bị một khán giả nữ phát trực tuyến từ cụm rạp ở Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm. Tương tự, phim Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh), Xóm trọ 3D (NSND Hồng Vân), Chạy đi rồi tính (Nam Cito - Bảo Nhân), Vòng eo 56 (Vũ Ngọc Đãng)... cũng là nạn nhân của hành vi livestream trên facebook, phát tán trái phép trên các trang web giải trí trực tuyến khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Nghệ sĩ cần cứng rắn, khán giả cần ý thức
Các thủ phạm có hành vi phát trực tiếp phim lên mạng xã hội kể trên hầu hết nhanh chóng được tìm ra, tuy nhiên chủ yếu người vi phạm chỉ bị nhà sản xuất, đạo diễn yêu cầu gỡ bỏ video đã đăng tải, lập biên bản chứ không có biện pháp răn đe nặng hơn. Chính điều này đã tạo ra những tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cống hiến của người nghệ sĩ với điện ảnh nói riêng và các loại hình nghệ thuật khác nói chung.
Qua sự việc phim Cô Ba Sài Gòn nói trên, nhiều ý kiến cho rằng các nhà sản xuất, nghệ sĩ cần có động thái cứng rắn, quyết liệt trước hành vi phát tán phim lên mạng xã hội của một số cá nhân thiếu hiểu biết, ý thức kém. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tỏ ra bức xúc, anh chia sẻ với đồng nghiệp Ngô Thanh Vân: “Tôi nghĩ nên phạt tù và phạt tiền ở mức khung cao nhất của mức vi phạm để răn đe. Vì lần nào bắt được cũng cảnh cáo rồi tha nên nhiều người không sợ”.
Nhiều nghệ sĩ cũng mong muốn Ngô Thanh Vân khởi kiện người có hành vi phát trực tiếp Cô Ba Sài Gòn lên facebook để pháp luật được thực thi. Một số luật sư cho biết, phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream trên một fanpage về phim là hành động vi phạm về quyền tác giả. Tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình như trường hợp Cô Ba Sài Gòn bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi Ngô Thanh Vân khởi kiện T., trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xác định thiệt hại mà T. đã gây ra đối với chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất, để từ đó có biện pháp xử lý về hành chính hay hình sự quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 1999 và bổ sung năm 2009 về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, với khung phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, cao nhất là 1 tỷ đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến phạt tù cao nhất 3 năm.
Ngoài ra, không ít nhà sản xuất phim chia sẻ, cùng với việc xử phạt nặng người có hành vi vi phạm bản quyền như trường hợp phim Cô Ba Sài Gòn, khán giả là đối tượng thưởng thức thì cần có ý thức, tôn trọng sản phẩm nghệ thuật mà người nghệ sĩ đã bỏ nhiều tiền bạc lẫn công sức ra để thực hiện, phục vụ người xem.